Trong báo cáo vừa được công bố, Cơ quan Ðiều tra Môi trường (EIA, Anh) chuyên điều tra tội phạm về động vật hoang dã và môi trường cảnh báo rằng việc Trung Quốc mở rộng ngành y học cổ truyền ở nhiều nước châu Phi có nguy cơ thúc đẩy hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã, đe dọa tương lai của một số loài nguy cấp nhất thế giới.
Nhiều loài trước nguy cơ tuyệt chủng
Theo báo cáo, các sản phẩm y học cổ truyền chưa bao giờ được tiếp cận nhiều ở châu Phi như thời điểm hiện tại khi mà ngày càng nhiều công ty và phòng khám y học cổ truyền được thành lập ở các quốc gia trên khắp lục địa đen, trong khi Bắc Kinh không ngừng đẩy mạnh hoạt động quảng bá ngành trị liệu này. Nam Phi, Cameroon, Tanzania và Togo nằm trong số các quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để phát triển phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trong khi Nam Phi và Namibia công nhận y học cổ truyền trong hệ thống y tế công cộng.
Tê tê trước nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn trộm. Ảnh: AP
Theo EIA, sự phát triển của thị trường y học cổ truyền cùng với nhận thức cho rằng châu Phi là nguồn cung tiềm năng dược liệu sẽ mang đến thảm họa đối với một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, như báo hoa mai, tê tê hay tê giác. Qua đó, cơ quan này kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với y học cổ truyền cũng như yêu cầu các chính phủ hành động nhằm ngăn chặn việc sử dụng động vật hoang dã bị đe dọa trong các sản phẩm của họ.
Theo bà Ceres Kam, nhà vận động chống buôn bán động vật hoang dã của EIA, y học cổ truyền là một phần không thể thiếu đối với nhiều nền văn hóa và đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ở châu Phi. Tuy nhiên, việc sử dụng các loài bị đe dọa trong y học cổ truyền sẽ khuyến khích tội phạm về động vật hoang dã và cuối cùng dẫn đến khai thác quá mức, từ đó khiến nhiều loài tuyệt chủng, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học.
Ngành công nghiệp nhiều tỉ đô
Năm 1993, Trung Quốc ra lệnh cấm việc sử dụng sừng tê giác và các bộ phận của hổ. Tuy nhiên, lệnh này bất ngờ được dỡ bỏ vào năm 2018 khi Bắc Kinh tuyên bố cho phép sử dụng xương hổ và sừng tê giác trong y học và nghiên cứu, khiến Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên lo ngại rằng sẽ để lại “những hậu quả nặng nề trên toàn cầu và là bước lùi đáng kể trong nỗ lực bảo vệ hổ và tê giác hoang dã”.
Thống kê của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc hồi năm 2017 cho thấy, chỉ riêng thị trường nuôi thú hoang để lấy các bộ phận cho việc làm thuốc đã có giá trị lên tới 50 tỉ nhân dân tệ (tương đương 7 tỉ USD). Ðó là chưa kể đến số tiền trong việc buôn bán phi pháp động vật sống, xác động vật hoặc các bộ phận của chúng lên đến 74 tỉ USD theo như ước tính của tờ Guardian. Hiện ngành công nghiệp y học cổ truyền Trung Quốc đã có mặt tại hơn 180 quốc gia với giá trị hơn 60 tỉ USD/năm.
Chính thị trường béo bở trên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều loài động vật hoang dã. Ước tính, hơn 1 triệu con tê tê đã bị săn trộm trong giai đoạn 2000-2013. Bột được nghiền từ vảy của chúng được cho là giúp lợi sữa, trị viêm khớp và nhiều bệnh khác. Trong khi đó, tê giác và hổ cũng cùng chung số phận khi chúng được săn lùng để lấy sừng và xương, vốn cũng được cho là có tác dụng chữa bệnh. Gấu chó và gấu ngựa cũng cùng cảnh ngộ. Chúng được săn bắt từ rừng hoặc bị nuôi nhốt để lấy mật, vốn được tin là có thể trị một số bệnh về gan cũng như các bệnh khác.
Theo Tổ chức Cứu trợ hoang dã (WildAid) có trụ sở tại California (Mỹ), năm 2019 thế giới thu giữ hơn 130 tấn bộ phận tê tê (tương đương 400.000 con). Báo cáo mới nhất của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm cho hay mỗi năm châu Á tiêu thụ khoảng 200.000 con tê tê, mà phần lớn được dùng trong y học cổ truyền ở Trung Quốc. Báo cáo cũng nhấn mạnh 70% lượng tê tê bị thu giữ trên thế giới có điểm đến là Trung Quốc. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, số lượng quần thể tê tê ở nước này đã giảm hơn 90% kể từ năm 1960.
Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 6-2020 cho biết nước này đã loại bỏ tê tê khỏi danh sách dược liệu cổ truyền. Tuy nhiên, báo cáo của EIA hồi tháng 10-2020 cho rằng Chính phủ Trung Quốc vẫn cho phép các công ty dược phẩm nước này sử dụng vảy tê tê trong kho dự trữ quốc gia “vốn được bảo mật và không bao giờ cạn kiệt”.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)