Ngày 9-8, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ Abu Bakar Bashir (ảnh), giáo sĩ Hồi giáo được cho là thủ lĩnh tinh thần của phong trào thánh chiến Jemaah Islamiyah (JI) có liên hệ với Al-Qaeda ở khu vực Đông Nam Á. Việc bắt giữ nhân vật này cùng với 5 vệ sĩ của ông ta ở Tây Java là đòn giáng mạnh vào biểu tượng quyền lực của phe Hồi giáo cực đoan ở Indonesia.
Trước đây, Bashir từng đứng trước vành móng ngựa vì tội ủng hộ tinh thần cho các phong trào thánh chiến. Còn lần này ông ta bị bắt với cáo buộc hỗ trợ vật chất cho một nhóm khủng bố bị phát giác hồi đầu năm nay. Cụ thể là Bashir có “vai trò chủ động” trong việc thành lập trại huấn luyện quân nổi dậy ở tỉnh Aceh, phía Bắc đảo Sumatra, có tên gọi là “Al-Qaeda của Hành lang Mecca”, tập hợp nhiều thành viên của các tổ chức cực đoan khác với mục đích thiết lập cơ sở cho cuộc thánh chiến khắp Indonesia. Cảnh sát Indonesia cho biết chiến dịch truy quét chúng hồi tháng 2 năm nay của lực lượng an ninh đã phá hủy trại huấn luyện trên.
Vụ bắt giữ giáo sĩ Bashir xảy ra sau khi 3 thành viên của Jamaah Anshorut Tauhid, tổ chức Hồi giáo hợp pháp ở Aceh mà Bashir đã giúp thành lập năm 2008, sa lưới pháp luật hồi tháng 5 vì tình nghi hỗ trợ tài chính cho trại huấn luyện quân nổi dậy ở Aceh. Hàng chục nghi can khác cũng đã bị bắt và cảnh sát phát hiện một số nơi cất giấu vũ khí. Người phát ngôn cảnh sát Indonesia, Tướng Edward Aritonang cho biết Bashir đã xúi giục nhóm nổi dậy ở tỉnh Aceh, vốn là một “chân rết” của JI, thực hiện các cuộc tấn công kiểu đánh bom ở Mumbai (Ấn Độ) hồi năm 2008, tức là nhằm vào các khách sạn nổi tiếng có đông người nước ngoài, và tìm cách ám sát Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.
Tuy nhiên, tại đồn cảnh sát, Bashir nói với báo giới rằng việc ông ta bị bắt giữ là một âm mưu của Mỹ. Điều này không lạ, vì Bashir cũng từng cho rằng vụ đánh bom vào các hộp đêm ở Bali năm 2002 làm hơn 200 người chết là một trò lừa bịp của người Do Thái nhằm bôi nhọ đạo Hồi (Sau vụ đánh bom đó, Bashir bị xử tội chủ mưu và phải ngồi tù hơn 1 năm trước khi được trả tự do năm 2006).
Từ khi xảy ra vụ đánh bom Bali, Indonesia đã nhận được nhiều khen ngợi vì mạnh tay trừng trị các mạng lưới cực đoan và truy tố các nghi can trong những phiên tòa mở. Tuy nhiên, các phần tử nổi dậy vẫn tiếp tục thực hiện các vụ tấn công đẫm máu, trong đó đáng kể nhất là vụ đánh bom kép nhằm vào hai khách sạn sang trọng ở Thủ đô Jakarta hồi tháng 7-2009 làm ít nhất 9 người thiệt mạng và 50 người bị thương.
N. KIỆT
(Theo Csmonitor, Washingtonpost, BBC)