25/04/2008 - 09:27

Xung quanh việc Tư lệnh Mỹ ở Iraq được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm

Tướng David Petraeus. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm 23-4 cho biết Tổng thống George Bush sẽ bổ nhiệm Tướng bốn sao David Petraeus, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Iraq làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), thay thế Đô đốc William Fallon, người từ chức hồi tháng rồi vì phản đối chính sách của Washington đối với Iran. CENTCOM là cơ quan chỉ huy các hoạt động quân sự của Mỹ từ vùng Sừng châu Phi tới Trung Á, trong đó có hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Trong bối cảnh Mỹ đang sa lầy ở Iraq và Tổng thống Bush sắp kết thúc nhiệm kỳ, việc bổ nhiệm tướng Petraeus gây ra nhiều dư luận khác nhau ở Mỹ.

Nhà Trắng hy vọng việc bổ nhiệm Tướng Petraeus làm Tư lệnh CENTCOM sẽ được Thượng viện, hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, thông qua trong cuộc họp vào cuối tháng 5. Là người thực hiện chủ trương tăng 30.000 quân Mỹ tới Iraq hồi năm ngoái và vừa đề nghị hoãn việc rút quân khỏi Iraq, Tướng Petraeus được các chính khách đảng Cộng hòa ủng hộ. Ông Gates cho rằng hiện tại không có ai trong quân đội Mỹ có thể ngồi vào vị trí này tốt hơn Petraeus. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa John McCain thậm chí còn gọi ông Petraeus là “một trong những vị tướng vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ”. Các nghị sĩ Dân chủ dường như sẽ không ngăn cản việc bổ nhiệm này. Hiện người ta đang chờ xem phản ứng của bà Hillary Clinton và ông Barack Obama (một trong hai sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ), hai thượng nghị sĩ chủ trương rút quân Mỹ khỏi Iraq nếu trở thành tổng thống. Trong khi đó, các nhà hoạt động chống chiến tranh lo ngại rằng đây là dấu hiệu Washington sẽ tiếp tục kéo dài cuộc chiến tại Iraq, vốn cướp đi sinh mạng của trên 4.000 binh sĩ Mỹ và tiêu tốn hàng trăm tỉ USD trong hơn 5 năm qua.

Tướng Petraeus, 55 tuổi, có thể sẽ đảm đương cương vị chỉ huy CENTCOM vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu tới. Cựu cấp phó của Petraeus ở Iraq, Trung tướng Raymond Odierno sẽ trở lại Baghdad thay vị trí của ông. Các nhà phân tích cho rằng sự lựa chọn “bộ đôi” này của Lầu Năm Góc là nhằm đảm bảo tính liên tục của chiến lược chống nổi dậy do Tướng Petraeus khởi xướng hơn 1 năm trước. Có thể nói việc hoãn rút quân khỏi Iraq cùng với việc bổ nhiệm nhân sự mới, Tổng thống Bush đang tìm cách giao “vũng lầy” Iraq lại cho người kế nhiệm.

Vấn đề hiện nay là liệu Tướng Petraeus có đủ tầm để lãnh đạo CENTCOM, nhất là giải quyết xong hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan? Theo báo Guardian (Anh), Petraeus không có kinh nghiệm về chiến trường trước khi đến Iraq. Ông chỉ từng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Haiti năm 1995, với lực lượng Mỹ ở Koweit năm 1999 và với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bosnia năm 2001. Sau khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, ông Petraeus nhận nhiệm vụ ở Mosul. Trong lần trở lại Iraq thứ hai từ tháng 6-2004 đến tháng 9-2005, ông chịu trách nhiệm huấn luyện các lực lượng Iraq. Nhưng chỉ 4 tháng sau khi Petraeus rời Mosul, cảnh sát trưởng do ông huấn luyện đào ngũ và thành phố này trở thành căn cứ của lực lượng nổi dậy. Trong vai trò Tư lệnh quân đội Mỹ ở Iraq từ tháng 2-2007 đến nay, Tướng Petraeus nói là thành công trong việc trấn áp lực lượng nổi dậy, vãn hồi trị an, nhưng thực tế từ tháng 3-2008, bạo lực bắt đầu bùng phát trở lại ở Iraq.

N.MINH

(Theo Times, Guardian, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết