07/10/2016 - 09:45

Xung quanh gói viện trợ của EU dành cho Afghanistan

Liên minh châu Âu (EU, không bao gồm Anh) trở thành nhà cam kết tài trợ chung lớn nhất cho Afghanistan trong 4 năm tới, nhưng đằng sau gói viện trợ phát triển này có thể liên quan đến thỏa thuận hồi hương người tị nạn gây tranh cãi.

Tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế dành cho Afghanistan được tổ chức tại Brussels (Bỉ) hôm 5-10, EU cam kết đóng góp 5,6 tỉ USD trên tổng số 15,2 tỉ USD mà các nước hứa viện trợ cho chính quyền Kabul từ nay đến năm 2020. Mỹ cam kết viện trợ khoảng 3,3 tỉ USD, Anh đóng góp hơn 2,7 tỉ USD...

Một gia đình người tị nạn Afghanistan trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Ảnh: Nytimes

Tại hội nghị có sự hiện diện của các quan chức đến từ 75 quốc gia và hơn 20 tổ chức quốc tế, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani gọi ngày 5-10 là "ngày đặc biệt" bởi các cam kết tài trợ "vượt xa mức tưởng tượng" của ông trước thềm hội nghị.

Thật ra, mức cam kết tài trợ lần này dành cho Afghanistan thấp hơn so với hội nghị cách đây 4 năm ở Nhật Bản, giảm từ 4 tỉ USD xuống 3,75 tỉ USD/năm, trong bối cảnh an ninh bất ổn tại Syria khiến các nhà tổ chức lo ngại các cường quốc không thể tập trung hỗ trợ cho Kabul.

Mặt khác, sự ủng hộ vật chất mạnh mẽ của EU lần này được cho nằm trong thỏa thuận buộc chính phủ Afghanistan phải chấp nhận hồi hương hàng chục ngàn người tị nạn đang bị từ chối nhập cư ở "lục địa già". Năm 2015, có khoảng 213.000 người Afghanistan trốn chạy sang châu Âu. Và từ đầu năm đến nay, khoảng 176.900 người Afghanistan đến châu Âu xin tị nạn. Trong đó, khoảng 50-60% số người xin tị nạn Afghanistan bị từ chối.

Vấn đề nằm ở chỗ Afghnistan đang đối mặt với nền kinh tế bị tàn phá chưa thể hồi phục và bất ổn an ninh gia tăng trước sự trổi dậy của phiến quân Taliban. Các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vẫn thường xuyên xảy ra.

Vì thế, một số tổ chức nhân quyền và nhân đạo quốc tế đã lên tiếng phê phán thỏa thuận trên giữa EU và Afghanistan. Timor Sharan, nhà phân tích cao cấp về tình hình Afghanistan thuộc Nhóm khủng hoảng hoảng quốc tế, chỉ trích rằng động cơ của EU gởi trả số lượng lớn người tị nạn Afghanistan không dựa trên thực tế ở đất nước này. "Đây là giải pháp chính trị cho vấn đề nhân đạo" - ông Sharan bình luận.

Hãng tin Pháp AFP hôm qua cho biết, EU đang tăng cường kiểm soát làn sóng người nhập cư. Theo đó, lực lượng phản ứng nhanh của khối đã bắt đầu hoạt động nhằm kiểm soát chặt biên giới các nước thành viên. Cơ quan bảo vệ bờ biển và biên giới châu Âu (EBCG), được EU nhất trí thành lập đầu năm nay, đang có trong tay khoảng 1.500 sĩ quan từ 19 nước thành viên sẵn sàng làm nhiệm vụ.

ĐỨC TRUNG (Theo AFP, Nytimes)

Chia sẻ bài viết