03/05/2009 - 09:57

Xung quanh chiến lược quốc phòng mới của Úc

Máy bay lên thẳng của quân đội Úc.
Ảnh: AFP

Bộ Quốc phòng Úc ngày 2-5 công bố Sách trắng quốc phòng, trong đó phát thảo chiến lược quân sự cho nước này trong vòng 20 năm tới. Đây là Sách trắng quốc phòng đầu tiên trong 10 năm qua của Canberra.

Theo Sách trắng, trong 2 thập niên tới, Úc sẽ chi tổng cộng 73 tỉ USD để mua bổ sung 100 máy bay tiêm kích F-35 trang bị tên lửa hành trình, 24 máy bay chiến đấu lên thẳng, 8 tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo, 12 tàu ngầm tấn công tối tân, 20 tàu chiến và 1 tàu vận tải phục vụ hậu cần. Ngoài ra, ngân sách trên còn dùng xây dựng phi đội máy bay do thám hải dương tầm xa cũng như nghiên cứu các biện pháp chống chiến tranh điện tử và chiến tranh tin học.

Theo hãng tin Reuters, trước khi công bố Sách trắng, Úc trên thực tế đã triển khai kế hoạch chi 44 tỉ USD để nâng cấp bộ máy quân sự như sắm tàu khu trục, tên lửa hành trình, máy bay tiêm kích, hàng không mẫu hạm, xe tăng và máy bay lên thẳng. Chiến lược mới này cũng nằm trong kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng trung bình 3%/năm cho đến năm 2018 và tăng thêm bình quân 2,2%/năm cho giai đoạn 2019-2030, so với 13 tỉ USD ngân sách của tài khóa hiện tại (kết thúc vào cuối tháng 6 tới).

Theo Thủ tướng Kevin Rudd, việc Úc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng và mua sắm trang thiết bị quân sự sẽ được thực hiện theo cách “bình tĩnh, được kiểm soát và có trách nhiệm với tương lai”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Joel Fitzgibbon bộc lộ tham vọng biến Úc thành cường quốc quân sự hùng mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương, đủ khả năng tự bảo vệ đất nước mà không cần dựa vào các quốc gia khác. Chẳng hạn, Canberra không cần cho phép Mỹ triển khai lá chắn tên lửa giúp đảm bảo an ninh lãnh thổ.

Sách trắng cho biết Úc cần phải tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đang đầu tư lớn cho quân đội. Ví như Trung Quốc trong thập niên qua đã tăng ngân sách quốc phòng trung bình hơn 16%/năm (năm 2008 tăng lên mức 105-150 tỉ USD). Đặc biệt, Bắc Kinh đang phát triển hàng không mẫu hạm, tàu chiến lớn hơn và nhiều hơn, đặt mua máy bay siêu thanh, ngư lôi cao tốc, sản xuất tên lửa tầm xa và tàu ngầm năng lượng hạt nhân hiện đại. Sách trắng còn đề cập “phong trào” mua sắm tàu ngầm hiện đại của các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Bangladesh và Pakistan. Chẳng hạn, Indonesia lên kế hoạch xây dựng 12 tàu ngầm tuần tra vào năm 2024 hay Singapore sẽ có 6 chiếc vào năm 2016.

Sách trắng nêu rõ quân đội Úc tuy nhỏ nhưng thiện chiến sẽ được đầu tư trang bị để nắm vai trò thủ lãnh đảm bảo an ninh cho khu vực Nam Thái Bình Dương và một số quốc đảo lân cận. Các nhà quan sát cho rằng khi Úc, đồng minh thân thiết của Mỹ, công bố kế hoạch mua sắm quân sự đồ sộ nhất trong lịch sử sẽ đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu không ngăn các nước trên thế giới cắt giảm chi tiêu quân sự.

KIẾN HÒA
(Theo BBC, Reuters, Bloomberg)

Máy bay lên thẳng của quân đội Úc. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết