10/12/2017 - 08:45

Xung đột leo thang nguy hiểm tại Dải Gaza 

Sáng hôm qua 9-12, quân đội Israel đã không kích địa điểm sản xuất vũ khí và kho đạn dược của phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza nhằm trả đũa các vụ phóng rốc-két trước đó. 

Trong 3 quả rốc-két đã được phóng từ Dải Gaza vào Israel hôm 8-12, quân đội Israel đã đánh chặn một quả và một quả rơi xuống thành phố Sderot ở phía Nam nước này, nhưng không có thông tin về thương vong. Sáng sớm 9-12, các chiến đấu cơ của Israel tiếp tục tiến hành thêm các cuộc không kích. Trước đó, họ cũng giội bom các địa điểm của Hamas, khiến 25 người bị thương.

 Thanh niên Palestine ném đá về phía binh sĩ Israel ở Ramallah thuộc khu Bờ Tây hôm 8-12. Ảnh: Washington Post

Đáng ngại hơn, theo hãng tin Reuters, các binh sĩ Israel đã bắn chết ít nhất hai người Palestine trong các cuộc đụng độ ở 6 địa điểm dọc biên giới Gaza - nơi có gần 4.500 người tham gia phản đối. Nhiều người khác cũng đã bị thương trong các cuộc xung đột ở khu Bờ Tây và Dải Gaza. Quân đội Israel lập luận rằng hàng trăm người Palestine đã lăn vỏ xe đang cháy và ném gạch đá về phía họ.

Bạo lực tiếp tục bùng nổ sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi 3 “ngày phẫn nộ” từ hôm 8-12 và Hamas phát động làn sóng nổi dậy thứ ba chống Israel. Cuộc nổi dậy lần đầu tiên của người Palestine diễn ra năm 1987 và kéo dài 6 năm khiến hơn 1.250 người Palestine thiệt mạng. Cuộc nổi dậy này chủ yếu dựa vào hình thức ném đá. Cuộc nổi dậy lần hai năm 2000 quyết liệt hơn và kéo dài 5 năm làm khoảng 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel thiệt mạng.

Mỹ bị cô lập tại LHQ

Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an (HĐBA LHQ) hôm 8-12, lần lượt 14 quốc gia thành viên đã lên tiếng phản đối quyết định của ông Trump. Các thành viên HĐBA cho rằng quyết định của Nhà Trắng về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel “xói mòn và đặc biệt làm lu mờ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc tìm kiếm hòa bình cho khu vực này”. Trong cuộc báo chung, đại sứ các nước Pháp, Ý, Đức, Thụy Điển và Anh đã bày tỏ sự bất đồng trước quyết định gây tranh cãi của Mỹ. Tuyên bố nêu rõ: “quyết định không phù hợp với các nghị quyết của HĐBA và vô ích trong viễn cảnh hòa bình ở vùng đất này”. Riêng Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre thể hiện sự tiếc nuối đối với tuyên bố gây tranh cãi của Washington, khi trích dẫn cơ sở pháp lý, ảnh hưởng của quyết định này đối với nỗ lực đạt giải pháp hai nhà nước và nguy cơ bạo lực leo thang.

Trong khi đó từ Bắc Phi cho đến châu Á, hàng chục ngàn người ở các quốc gia A-rập và Hồi giáo đã xuống đường biểu tình để thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine cũng như phản đối quyết định đơn phương của Mỹ.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết