13/03/2020 - 18:56

Xu hướng kết hôn không hẹn hò tại Indonesia 

Chán nản vì nhiều lần chia tay, cô Dwita Astari Pujiartati - một giảng viên 27 tuổi ở Indonesia - quyết định từ bỏ con đường yêu đương lãng mạn thông thường và đi theo xu hướng ngày càng tăng trong những người độc thân xứ vạn đảo - đó là kết hôn không hẹn hò.

Với sự mai mối của một giáo sĩ, Pujiartati trao đổi lý lịch với những đối tượng có triển vọng kết hôn, cho đến khi cô nhận được liên lạc từ một người quen cũ lâu năm không gặp, vốn cũng muốn tìm kiếm việc hẹn hò mà ít tiếp xúc. Trong quá trình tìm hiểu suốt gần 1 năm sau đó, cặp đôi không hề nắm tay hay hôn nhau, bởi lẽ họ thậm chí còn chưa từng gặp mặt mà chỉ nói chuyện qua điện thoại. “Khi chúng tôi cảm thấy tâm đầu ý hợp, anh ấy (chồng tôi hiện nay) đã hỏi cha mẹ tôi rằng có thể cầu hôn tôi hay không” - Pujiartati kể.

Hôn nhân sắp đặt vẫn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn Indonesia. Ảnh: Hauterfly

Tục lệ giới thiệu (gọi là “taaruf”) bị chỉ trích là “lỗi thời” và phù hợp hơn ở những quốc gia nặng tính bảo thủ Vùng Vịnh như Saudi Arabia hơn là tại Indonesia - nước có mức độ tự do tương đối. Song Pujiartati xem đây là cách để từ bỏ việc hẹn hò mà không đi đến đâu và là cách để một tín đồ Hồi giáo mộ đạo như cô tránh được việc phải đụng chạm cơ thể và quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Tại Indonesia - đất nước có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới, những trường hợp như Pujiartati không hiếm, bởi phong trào kết hôn không hẹn hò “Indonesia Tanpa Pacaran” đang nở rộ. Với khoảng 1 triệu người đăng ký theo dõi chỉ riêng trên trang Instagram, phong trào này nhắm vào thế hệ Z (những người sinh từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2000). Được biết, thế hệ Z chiếm 25% trong tổng số hơn 260 triệu dân Indonesia.

Theo phong trào này, bất kỳ tiếp xúc nào trước hôn nhân cần phải được giám sát, đồng thời mô tả việc hẹn hò trước hôn nhân là sản phẩm “sai trái” của nền văn hóa phương Tây. Để truyền đạt thông điệp của mình, nhóm còn bán nhiều sản phẩm như nón, móc gắn chìa khóa và khăn trùm đầu cho phụ nữ.

Thật ra, phong trào kết hôn không hẹn hò đã được khởi xướng từ năm 2015 bởi nam sinh La Ode Munafar, người gần đây chủ trì một cuộc chia tay tập thể tại đảo Sulawesi. “Tôi đã nghiên cứu hẹn hò từ quan điểm khoa học và tâm lý học. Nó có hại trong mọi khía cạnh”- Munafar phát biểu sau sự kiện.

Những năm gần đây, Indonesia chứng kiến sự thay đổi thái độ theo hướng bảo thủ tôn giáo, khi một số người nổi tiếng tuyên bố họ sẽ theo đuổi lối sống ngoan đạo hơn. Còn theo các chuyên gia, kết hôn không hẹn hò cũng là một cách chống lại nỗi lo ngại rằng nền dân chủ đã phá vỡ các giá trị truyền thống ở một đất nước mà các cuộc hôn nhân sắp đặt từng là chuẩn mực và vẫn đang tồn tại ở một số vùng nông thôn.

Mặt khác, những người ủng hộ cho rằng phong trào kết hôn không hẹn hò đã trao quyền cho phụ nữ, bằng việc cho phép họ lựa chọn bạn đời mà không cảm thấy bị ép phải quan hệ trước hôn nhân, cũng như không cần sự cho phép từ người thân như trong các cuộc hôn nhân sắp đặt.

Mặc dù phong trào kết hôn không hẹn hò ngày càng phổ biến, một số người không ủng hộ ý tưởng này. Đơn cử, Azara Mahdaniar - một thanh niên 25 tuổi - cho biết: “Tôi không đồng ý với việc kết hôn bất ngờ này. Các bạn sẽ không muốn phải ràng buộc và sau đó phát hiện ra người phối ngẫu của mình là kẻ kém cỏi và lừa gạt”.

NG. CÁT (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết