19/09/2016 - 10:56

Xới đáy đại dương tìm kim cương

Theo Telegraph, ngành công nghiệp khai thác kim cương đang chuyển hoạt động dò tìm đá quý ra đại dương trong bối cảnh trữ lượng các mỏ kim cương trên đất liền ngày càng sụt giảm.

Nguồn đá quý từ đáy biển

Một trong những tên tuổi thường được nhắc đến với tư cách những người đặt nền móng cho ngành công nghiệp hào nhoáng này - công ty De Beers - ước tính trữ lượng kim cương trên đất liền có thể cạn kiệt trong 15 năm nữa. Trong khi đó, Namdeb, liên doanh 50:50 giữa De Beers với Chính phủ Namibia, cho biết 95% sản lượng của hãng trong tương lai sẽ đến từ đáy biển ngoài khơi khu vực Tây Nam châu Phi.

Mở rộng khai thác kim cương dưới lòng biển có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển. Ảnh: Telegraph

Hiện Namdeb đang xây dựng một hạm đội để khai thác những viên ngọc quý từ biển khơi với 5 tàu được trang bị máy kéo khổng lồ và giàn khoan có khả năng khai thác hơn một triệu carat kim cương mỗi năm. "Kim cương từ biển khơi chính là tương lai của chúng tôi. Mười năm trước đây, chúng ta chỉ khai thác 30% kim cương từ biển và 70% từ đất liền nhưng hiện tại tình thế đã đảo ngược" - Quyền Giám đốc bộ phận kinh doanh của Namdeb, Paulus Shituna khẳng định.

Cuộc chiến lợi nhuận

Theo người đứng đầu bộ phận khoáng sản và chất thải của Cơ quan Thăm dò Địa chất Anh Andrew Bloodworth, đang có sự cạnh tranh quyết liệt để giành giấy phép thăm dò, khai thác kim cương dưới đáy biển bởi đây là ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ. Hiện tại, hãng UK Seabed Resources đã giành được giấy phép khai thác khu vực ngoài khơi bang Hawaii của Mỹ với diện tích gấp hai lần xứ Wales. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng hy vọng Anh sẽ là quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp khai thác mỏ dưới đáy biển với giá trị mang về cho nước này lên tới 53 tỉ USD trong 30 năm tới.

Theo ghi nhận của Telegraph, do lợi nhuận khổng lồ nên hoạt động bảo mật trong quy trình khai thác kim cương dưới đáy biển luôn ở mức cao nhất. Thậm chí, nhân viên bị cấm để tóc quá dài để đảm bảo họ không lợi dụng tuồn kim cương ra ngoài. Một số khu vực nuôi chim bồ câu trên đất liền ở địa phương đang khai thác cũng bị yêu cầu đóng cửa để tránh kim cương bị đánh cắp. Đặc biệt, quy trình khai thác còn hạn chế tối đa sự tiếp xúc của con người trước khi kim cương được đem lên tàu niêm phong, cài mật mã và hộ tống ra phi trường 3 lần mỗi tuần thông qua 3 lớp bảo mật từ thuyền trưởng, giám đốc an ninh và một thủy thủ được lựa chọn ngẫu nhiên.

Tác hại đến môi trường

Trong quá trình khai thác, các cỗ máy sẽ "càn quét" một khu vực rộng lớn dưới đáy biển và hút lên tàu khoảng 60 tấn trầm tích mỗi giờ. Lúc này, trầm tích sẽ được rửa sạch và sàng lọc. Kim cương nếu có sẽ được lấy đi còn phần đá, sỏi sẽ bị đổ trở lại biển. Mặc dù đem về nguồn lợi nhuận khổng lồ nhưng Giám đốc Bloodworth thuộc Cơ quan Thăm dò Địa chất Anh cảnh báo hoạt động đào xới đáy biển với qui mô như vậy sẽ làm tổn hại các sinh vật, thậm chí tàn phá hệ sinh thái biển.

Không chỉ kim cương, việc nhiều quốc gia khác như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp đẩy mạnh ngành công nghiệp khai thác khoáng sản dưới lòng Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương cũng đang hủy hoại môi trường biển vốn đã bị xuống cấp do đánh bắt thủy hải sản quá mức, gánh chịu chất thải từ công nghiệp và con người cũng như hệ quả từ biến đổi khí hậu. Theo Tổng thư ký Cơ quan Đáy biển Quốc tế Michael Lodge, cùng với sự phát triển của ngành khai khoáng mới thì công tác bảo vệ môi trường là một trong những thách thức lớn nhất.

MAI QUYÊN (Theo Telegraph)

Chia sẻ bài viết