20/10/2010 - 08:52

Xoa dịu dư luận

Tổng thống Đức Chirstian Wulff (giữa) và phu nhân khi vừa đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18-10.
Ảnh: DPA

Tổng thống Đức Chirstian Wulff ngày 18 -10 đã đến Thủ đô Ankara bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 ngày. Đây là chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên của một vị nguyên thủ quốc gia Đức trong vòng 10 năm qua, dù hai nước trên thực tế có mối quan hệ kinh tế và xã hội khá gần gũi. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Wulff kể từ khi ông được bầu làm Tổng thống Đức hồi tháng 6 năm nay.

Ông Wulff đến Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh dư luận trong nước đang nổi lên cuộc tranh cãi dữ dội về sự hòa hợp của người nhập cư Hồi giáo mà phần lớn là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là sau phát biểu mới đây của Thủ tướng Đức Angela Merkel về “sự thất bại của chủ nghĩa đa văn hóa ở Đức”, khiến nhiều nước lên tiếng bày tỏ sự bất bình.

Trong cuộc gặp thường niên với thanh niên đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo hồi thứ bảy tuần rồi, bà Merkel nói: “Những ai muốn gia nhập xã hội chúng ta (Đức) không chỉ tuân theo luật pháp của chúng ta, mà còn phải am hiểu ngôn ngữ của chúng ta. Nhưng chủ nghĩa đa văn hóa ở Đức đã thất bại hoàn toàn”.

Ấy vậy mà chỉ khoảng 3 tháng trước đó, khi vòng chung kết giải bóng đá thế giới World Cup đang diễn ra ở Nam Phi, bà Merkel đã ca ngợi đội tuyển bóng đá Đức về tính đa sắc tộc, rằng điều đó cho thấy nước Đức đã thay đổi. Một trong những cầu thủ hàng đầu của đội tuyển Đức là Mesut Ozil đã được sinh ra và lớn lên tại Đức, nhưng là người theo đạo Hồi trong gia đình đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Dư luận cho rằng sở dĩ bà Merkel có những phát biểu trước sau bất nhất như vậy là vì bà muốn “lấy lòng” cánh bảo thủ trong đảng, vốn đang tỏ ra bất mãn vai trò lãnh đạo của bà, đặc biệt là khi các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy uy tín của liên minh trung hữu cầm quyền thấp hơn phe đối lập.

Nhưng rõ ràng phát biểu của bà Merkel đã đụng chạm đến “tự ái” của 4 triệu người Hồi giáo ở Đức, trong đó có 2,5 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Tổng thống Wulff đã tuyên bố Hồi giáo là một phần của nước Đức và phản đối những luận điệu có ý chia rẽ tôn giáo, sắc tộc. Với quan điểm này, ông Wulff được kỳ vọng là người có thể gắn kết xã hội đa sắc tộc-đa tôn giáo ở Đức, đồng thời giúp tránh bất hòa quan hệ giữa Đức với bên ngoài.

PHÚC GIA AN
(Theo AFP, Reuters và AP)

Tổng thống Đức Chirstian Wulff (giữa) và phu nhân khi vừa đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18-10. Ảnh: DPA

Chia sẻ bài viết