23/10/2022 - 09:00

Xét nghiệm HIV - đơn giản, đảm bảo bí mật thông tin cá nhân 

H.HOA

Theo Ths.BS Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), người có nguy cơ nhiễm HIV nên xét nghiệm càng sớm càng tốt. Xét nghiệm sớm, điều trị sớm để không làm lượng virus trong máu tăng lên. Nếu không điều trị, lượng virus tăng lên, tiêu diệt đến tế bào miễn dịch sẽ ảnh hưởng đến khả năng chống chọi các bệnh tật khác của cơ thể.

Bác sĩ Phòng khám Glink Cần Thơ tư vấn cho khách hàng. Ảnh: Glink cung cấp

Lợi ích của xét nghiệm, điều trị sớm

Các chuyên gia y tế cho biết, ở giai đoạn tiềm tàng, số lượng tế bào CD4 giảm từ từ. Vì vậy, người nhiễm HIV có thể khỏe mạnh trong vòng từ 5-10 năm trước khi có triệu chứng của nhiễm HIV hoặc phát triển thành AIDS. Triệu chứng có thể biểu hiện khi CD4 < 500. Nhiễm trùng cơ hội biểu hiện khi số lượng tế bào CD4 < 200. Bệnh tiến triển nhanh hơn với nhóm: Nhiễm HIV do truyền máu, tuổi cao, nồng độ virus cao, tiêm chích ma túy. Bệnh tiến triển chậm hơn với điều trị dự phòng bằng cotrimoxizole, điều trị ARV.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, tiêu chuẩn điều trị ARV liên tục được mở rộng. Trước đây chỉ dành cho bệnh nhân nặng, sau đó là điều trị cho bệnh nhân có CD4 < 350, rồi tiến tới điều trị CD4 < 500. Hiện nay, điều trị ARV ngay cho các trường hợp phát hiện nhiễm HIV trong ngày.

Người mắc HIV nếu được điều trị ARV sớm, tuân thủ tốt liệu trình, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, nguy cơ lây truyền HIV cho người khác cũng giảm nhiều lần. Nếu tải lượng dưới ngưỡng phát hiện thì không còn nguy cơ lây truyền HIV cho người khác, sống khỏe mạnh và tuổi thọ như người bình thường. Qua thống kê của cơ quan chuyên môn, 96% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế; 94% dưới ngưỡng phát hiện. Việt Nam được coi là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng đầu thế giới. Hiện nay, ngoài việc điều trị ARV bằng bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế, người nhiễm HIV có thể điều trị ARV dịch vụ ở các cơ sở, phòng khám tư nhân.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo những đối tượng cần xét nghiệm HIV gồm: nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), người tiêm chích ma túy, mại dâm, bạn tình, bạn chích của người có HIV. Ngoài ra, những khách hàng có nhu cầu mong muốn làm xét nghiệm có thể liên hệ các cơ sở y tế, tổ chức cộng đồng, trang web để  được tư vấn, xét nghiệm.

Ða dạng hình thức xét nghiệm

Theo Ths.BS Võ Hải Sơn, người có nguy cơ nhiễm HIV có thể xét nghiệm HIV ở các cơ sở y tế, các tổ chức cộng đồng và tự xét nghiệm tại nhà (qua việc nhận sinh phẩm, tự xét nghiệm HIV qua trang web https://tuxetnghiem.vn). Các hình thức này đều bảo mật thông tin cho khách hàng. Riêng hình thức nhận sinh phẩm qua website có hiệu quả cao, đơn giản, dễ thực hiện. Qua thí điểm ở TP Cần Thơ, đây chính là giải pháp cho các khách hàng muốn xét nghiệm HIV nhưng e ngại đến cơ sở y tế và cộng đồng. Về thời điểm xét nghiệm, nếu khách hàng xét nghiệm kháng thể, khuyến cáo làm xét nghiệm 4-6 tuần sau khi tiếp xúc với nguy cơ.       

Tại TP Cần Thơ, vừa qua, CDC Cần Thơ tổ chức tập huấn tư vấn và xét nghiệm HIV cho 25 tình nguyện viên, cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS ở tuyến xã, phường, các trường đại học, cao đẳng, các nhóm cộng đồng. Bạn Ðỗ Xuân Hào, cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS, Trường Ðại học Cần Thơ, tham gia lớp tập huấn cho biết: Nhóm chuyên tư vấn, tuyên truyền về HIV, dự phòng, cấp bao cao su, chất bôi trơn... cho các bạn sinh viên. Nếu có nguy cơ, nhu cầu làm xét nghiệm, các bạn nhận test tự xét nghiệm HIV bằng dịch miệng (Oraquick) hoặc lấy máu đầu ngón tay (sinh phẩm SD bioline) để xét nghiệm. Kết quả có sau 20 phút. Nếu dùng SD bioline thì bên em sẽ lấy máu, địa điểm do khách hàng chọn. Nếu kết quả có phản ứng thì chuyển gởi đến CDC Cần Thơ để làm xét nghiệm khẳng định. Tất cả đều miễn phí, bảo mật, thân thiện.

Trong mấy năm gần đây, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm MSM, nhất là ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Riêng tại TP Cần Thơ, qua giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này tăng rất nhanh, từ 8% năm 2015 lên 20,3% năm 2019. Ðối tượng MSM đã trở thành nhóm có tỷ lệ được phát hiện nhiễm HIV chiếm trên 50% số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm. Chính vì thế, gần đây xét nghiệm HIV được đẩy mạnh trong nhóm MSM. Anh Phạm Trương Kim Dương, Giám đốc Glink Cần Thơ, chia sẻ: Hiện có rất nhiều kênh từ hệ thống y tế công lập, tư nhân, các nhóm cộng đồng để các bạn MSM  nói chung và người dân nói riêng được tư vấn, xét nghiệm HIV. Các bạn không nên e ngại, lo lắng kỳ thị và phân biệt đối xử mà trì hoãn xét nghiệm HIV mà nên ưu tiên chăm sóc sức khỏe của mình và người thân, nên đi xét nghiệm sớm nếu mình có nguy cơ.

Chia sẻ bài viết