18/02/2016 - 14:52

WHO “BẬT ĐÈN XANH” SỬ DỤNG “VŨ KHÍ MỚI” CHỐNG VI-RÚT ZIKA

Các nước đang chống chọi với vi-rút Zika nên xét tới những biện pháp mới nhằm kiềm chế muỗi mang mầm bệnh, bao gồm việc thử nghiệm thả giống muỗi biến đổi gien để hạn chế muỗi sinh sôi – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.

"Tuyên chiến" với muỗi vằn…

Vi-rút Zika, hiện lây lan khắp châu Mỹ, được lây truyền chủ yếu bởi giống muỗi vằn Aedes aegypti mà cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) mô tả như một "mối đe dọa dai dẳng". Nhiều nhà khoa học tin rằng Zika có liên quan đến chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng Guillain-Barre – một dạng rối loạn thần kinh nghiêm trọng, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các dây thần kinh ngoại biên - ở người trưởng thành. WHO cảnh báo nếu các mối liên hệ nói trên được xác nhận thì những hậu quả đối với con người và xã hội tại hơn 30 quốc gia được phát hiện bùng phát dịch Zika gần đây sẽ rất đáng sợ.

Muỗi vằn Aedes aegypti, tác nhân lây truyền vi-rút Zika, bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và sốt vàng da. Ảnh: Reuters

Trong thông báo ngày 16-2, WHO cho biết do tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng Zika, WHO khuyến khích các nước bị ảnh hưởng và đối tác của họ tăng cường sử dụng cả những phương pháp cũ lẫn mới để kiểm soát muỗi như biện pháp phòng chống dịch trực tiếp nhất. Tổ chức này cũng nhấn mạnh tiềm năng của giải pháp thả giống muỗi vằn đã bị biến đổi gien ra môi trường. Theo các nhà khoa học, giống muỗi này sau khi giao phối sẽ khiến con của chúng chết đi ngay từ giai đoạn ấu trùng. Giáo sư sinh-toán học Michael Bonsall chuyên nghiên cứu côn trùng biến đổi gien tại Đại học Oxford (Anh) cho biết, các cuộc thử nghiệm cho thấy việc thả muỗi vằn biến đổi gien ra môi trường có thể làm giảm đến 90% dân số của loài vật ký sinh này.

Nhiều phương án được xem xét

Hiện tại, đơn vị cố vấn của WHO đã đề nghị tiến hành thêm nhiều thử nghiệm trên thực địa, sau khi việc thí điểm thả muỗi biến đổi gien tại quần đảo Cayman mang lại nhiều kết quả khả quan. Bên cạnh đó, WHO cũng xem xét tới việc thả giống muỗi bị làm mất khả năng sinh sản (bằng kỹ thuật chiếu xạ do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của LHQ phát triển) để chúng không sinh sôi thêm. Một lựa chọn khác là sử dụng vi khuẩn Wolbachia vốn không ảnh hưởng tới con người nhưng lại khiến trứng của muỗi cái đã giao phối với muỗi nhiễm bệnh không thể nở thành con. Loài muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã được chứng minh làm giảm khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết. WHO cho biết các cuộc thử nghiệm trên quy mô lớn đối với muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ sớm được tiến hành.

Ý tưởng loại trừ muỗi vằn Aedes aegypti đang thôi thúc cơ quan y tế của LHQ, đặc biệt là khi loài vật này cũng là tác nhân lây truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và sốt vàng da. Xung quanh lo ngại loại bỏ hoàn toàn giống muỗi này có thể ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, chuyên gia kiểm soát côn trùng Jo Lines ở Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Luân Đôn khẳng định: "muỗi là sinh vật xâm hại nên việc loại trừ nó sẽ khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, chứ không phải là hủy hoại".

THANH TRÚC (Theo Guardian, Reuters)

Chia sẻ bài viết