 |
Thủ tướng Berlusconi (trái) chia sẻ thắng lợi với những người ủng hộ sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 29-9. Ảnh: AFP |
Với 342 phiếu thuận, 275 phiếu chống và 3 phiếu trắng, Quốc hội Ý hôm 29-9 đã thông qua chương trình cải cách 5 điểm do chính phủ nước này đề xuất gồm cải cách tư pháp, cải cách thuế, nhập cư và chống tội phạm, áp dụng chính sách thuế liên bang và trợ cấp cho miền Nam. Đây được coi là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ Thủ tướng Silvio Berlusconi. Nó diễn ra trong bối cảnh một nhóm 44 dân biểu do Chủ tịch Quốc hội Gianfranco Fini dẫn đầu tách khỏi liên minh cầm quyền hồi tháng 7. Nếu thất bại, Thủ tướng Berlusconi sẽ phải từ chức, mở đường cho bầu cử sớm. Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy chính phủ của Thủ tướng Berlusconi đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, chiến thắng này đang bị phủ bóng đen do nhiều cáo buộc cho rằng đảng Nhân dân Tự do (PFP) cầm quyền của ông đã dùng tiền và những “ưu ái chính trị” để đổi lấy lá phiếu ủng hộ của một số nghị sĩ đối lập.
Theo các chính khách đối lập, một nghị sĩ được đề nghị trao công việc cố vấn có thù lao 60.000 euro/năm, đáp lại dân biểu này phải thay đổi lập trường chuyển sang ủng hộ chính phủ. Ít nhất 7 nghị sĩ của hai đảng đối lập nhỏ là Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo và Cơ đốc giáo (UDC) và Liên minh Dân tộc (API) đã bỏ phiếu ủng hộ chương trình cải cách của Thủ tướng Berlusconi. Pierluigi Bersani, Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập, đã kêu gọi mở cuộc điều tra hình sự về vụ việc này.
Bên cạnh đó, tuy vượt qua cuộc bỏ phiếu, nhưng căng thẳng trong nội bộ liên minh cầm quyền vẫn chưa lắng dịu. Sau cuộc bỏ phiếu, nhóm nghị sĩ “ly khai” thông báo họ đang thành lập đảng mới với tên gọi là “Tương lai và Tự do cho nước Ý”. Các dân biểu đối lập bỏ phiếu ủng hộ ông Berlusconi hôm 29-9 cũng không cam kết ủng hộ lâu dài. Vì thế, các nhà phân tích nhận định tương lai của chính phủ Thủ tướng Berlusconi vẫn còn rất mong manh. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Umberto Bossi, lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc liên minh với PFP, cho rằng biện pháp duy nhất giúp ổn định tình hình chính trị ở Ý vẫn là tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 3-2011.
Xem ra, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là “ghềnh nhỏ”, còn cả một “thác nước lớn” đang chờ đợi Thủ tướng Berlusconi phía trước.
N. MINH
(Theo Guardian, WSJ)