12/08/2023 - 19:42

Vì sao UAE xích lại gần Nga, Trung Quốc? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được cho đang tách khỏi chính sách ngoại giao của Mỹ, đặc biệt là liên quan đến việc cô lập Nga và hạn chế quan hệ với Trung Quốc.

Tổng thống UAE Sheikh Mohammed (trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Putin hồi năm ngoái. Ảnh Điện Kremlin

Lâu nay, Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan được xem là đồng minh thân cận của Mỹ, luôn trông cậy vào Washington trong việc bảo vệ Abu Dhabi. Thế nhưng, nhà lãnh đạo vương quốc giàu dầu mỏ này trong năm qua đã đến Nga 2 lần để gặp Tổng thống Vladimir Putin. Vào tháng 6 vừa qua, UAE còn là khách mời danh dự tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 26. Trong khi đó, lực lượng không quân của UAE và Trung Quốc vào cuối tháng này sẽ lần đầu cùng nhau huấn luyện - sự thay đổi đáng chú ý đối với quốc gia từ lâu phụ thuộc vào chiến đấu cơ, vũ khí và sự bảo vệ của Mỹ.

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc nói trên giữa Abu Dhabi với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh cho thấy một quốc gia khu vực Trung Ðông được Mỹ xem là đối tác quan trọng đang ngày càng xa rời Washington. Thời gian qua, giới chức Mỹ đã ít thành công trong việc thuyết phục Tổng thống Sheikh Mohammed tuân theo chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt là liên quan đến việc hạn chế các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc cũng như cô lập Nga sau khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Thay vào đó, UAE thu hút đầu tư từ Nga, thúc đẩy cơn sốt bất động sản ở đô thị tráng lệ Dubai. Giới phân tích cho rằng mối quan hệ ngày càng tăng giữa UAE với cả các đối thủ của Mỹ và các nền kinh tế đang phát triển khác đều nhằm chuẩn bị cho viễn cảnh thế giới một ngày nào đó không còn do Washington thống trị.

Trong thập niên qua, giới lãnh đạo UAE luôn tỏ ra quan ngại về cam kết lâu dài của Mỹ đối với Trung Ðông, vốn hiện là nơi đồn trú của hàng chục ngàn quân nhân xứ cờ hoa. Họ lo sợ Mỹ suy giảm lợi ích trong khu vực, suy giảm khả năng phòng thủ quân sự và cho rằng Washington đã không làm đủ để ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran nhưng đồng thời cũng tiếp tục tìm kiếm sự bảo vệ lớn hơn từ Mỹ. Song, trả lời phỏng vấn với tờ Thời báo New York hồi tháng 6, Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Dana Stroul nói rằng Mỹ vẫn hiện diện tại khu vực nhưng đang “yêu cầu các đối tác của chúng tôi làm nhiều hơn nữa”.

Dù có diện tích nhỏ, chỉ gần bằng diện tích của tiểu bang Nam Carolina (Mỹ), UAE là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới và sở hữu các quỹ đầu tư quốc gia với tổng tài sản lên tới 1.500 tỉ USD. Nước này đã sớm đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài bằng nhiều cách, gồm cả thông qua thể thao. Ðáng chú ý, Abu Dhabi đã hành động sớm hơn các nước láng giềng nhằm theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn với Washington.

Chính sách đối ngoại táo bạo hơn của UAE bắt đầu xuất hiện từ thập niên trước khi cuộc cách mạng Mùa xuân Arab lật đổ các nhà độc tài trong khu vực cùng thời điểm Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama tuyên bố “xoay trục” sang châu Á. Trong bối cảnh các cuộc nổi dậy tái cơ cấu quyền lực của Trung Ðông, UAE đã gửi binh sĩ và vũ khí vào nhiều cuộc chiến diễn ra sau đó tại khu vực. Năm 2014, nước này đã tiến hành các cuộc không kích ở Libya mà không thông báo cho phía Mỹ biết. Ðến năm 2015 sau khi một lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn giành quyền kiểm soát thủ đô Sana’a (Yemen), các lực lượng của UAE đã tham gia liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu để can thiệp, từ đó đẩy Yemen vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Năm 2019, UAE tuyên bố rút quân khỏi Yemen, đánh dấu sự khởi đầu của một chính sách ngoại giao nhẹ nhàng hơn, ưu tiên giảm căng thẳng, đặc biệt là với Iran.

Song, sự thất vọng của UAE đối với Mỹ vẫn tiếp tục âm ỉ. Theo đó, Tổng thống Sheikh Mohammed đã không đến thăm Mỹ kể từ năm 2017. Năm 2021, UAE còn đình chỉ các cuộc đàm phán với Mỹ về việc mua chiến đấu cơ F-35 nằm trong thỏa thuận vũ khí trị giá 23 tỉ USD, thay vào đó ký một số thỏa thuận mua vũ khí từ các quốc gia khác, gồm cả máy bay tấn công hạng nhẹ từ Trung Quốc. Căng thẳng UAE - Mỹ như được “thêm dầu vào lửa” sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. UAE cùng nhiều quốc gia khác tuyên bố rằng sẽ không bị buộc phải đứng về phía nào, đồng thời nói rằng tiếp tục đối thoại cởi mở với Nga để theo đuổi các mục tiêu hòa bình.

Tuy nhiên, Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao tại chương trình Trung Ðông và Bắc Phi thuộc tổ chức tư vấn độc lập Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo UAE hiện vẫn là “đảm bảo rằng Mỹ có lợi ích lớn hơn trong khu vực chứ không phải là ít hơn”.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, UAE đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel hồi tháng 9-2020 và đến tháng 5-2022, hai nước này ký Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là FTA đầu tiên giữa Israel và một quốc gia Arab.

Chia sẻ bài viết