Trung Quốc vừa chính thức thông báo ngừng chương trình nhận con nuôi quốc tế, một sáng kiến từng giúp cho hàng chục ngàn trẻ em nước này được các gia đình trên khắp thế giới nhận nuôi.
Một cặp vợ chồng người Mỹ ẵm con nuôi ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: China Photos
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh thông báo quyết định nói trên trong cuộc họp báo hôm 5-9. Bà Mao cho biết Trung Quốc sẽ không cho phép người nước ngoài xin con nuôi là công dân Trung Quốc nữa, ngoại trừ trường hợp người thân cùng huyết thống xin nhận con nuôi hoặc con riêng của vợ/chồng họ. Bà Mao không giải thích gì thêm, mà chỉ khẳng định quyết định này “phù hợp với tinh thần của các công ước quốc tế có liên quan”.
Sau thông tin trên, Mỹ đã tìm cách làm rõ việc quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các gia đình xứ cờ hoa đang chờ xử lý đơn xin nhận con nuôi ở Trung Quốc. Theo một báo cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, lãnh sự nước này đã cấp 16 thị thực cho việc nhận con nuôi từ Trung Quốc từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023. Nhưng vẫn chưa rõ liệu có thêm thị thực nào được cấp kể từ đó hay không.
Được biết, chương trình nhận con nuôi quốc tế của Trung Quốc ban đầu được thúc đẩy bởi chính sách một con nghiêm ngặt của nước này, được thực thi từ năm 1980 để xử lý vấn đề quá tải dân số. Theo chính sách này, Bắc Kinh cũng ngăn chặn các thỏa thuận mà cha mẹ mang những đứa con sinh ra ngoài chính sách cho người thân hoặc gia đình khác nuôi. Điều đó dẫn đến sự gia tăng số trẻ em vào các trại trẻ mồ côi nhà nước, cuối cùng mở cửa cho việc nhận con nuôi quốc tế.
Trước sự gia tăng các vụ nhận con nuôi quốc tế, Trung Quốc chính thức chấp thuận việc cho người nước ngoài xin nhận con nuôi vào năm 1992 và nhanh chóng trở thành quốc gia có số lượng trẻ em được nhận nuôi ở nước ngoài nhiều nhất. Theo dữ liệu từ Đại học Newcastle (Anh), trong giai đoạn 2004-2022, hơn 89.000 trẻ em Trung Quốc đã được các gia đình ở hơn 20 quốc gia nhận nuôi.
Với việc nhận nuôi hơn 82.000 trẻ em trong giai đoạn 1999-2023, Mỹ là nước xin nhận con nuôi nhiều nhất từ Trung Quốc. Hoạt động nhận con nuôi đạt đỉnh điểm vào năm 2005, khi các gia đình Mỹ nhận nuôi hơn 7.900 trẻ em Trung Quốc.
Nhưng chỉ một năm sau, số lượng nhận nuôi bắt đầu giảm khi giới chức phát hiện ra một đường dây buôn bán trẻ em sơ sinh bất hợp pháp vào 6 trại trẻ mồ côi ở tỉnh Hồ Nam, sau đó cho các gia đình nước ngoài nhận nuôi. Vụ bê bối đã gây sốc cho cộng đồng nhận con nuôi quốc tế và khiến giới chức thắt chặt các quy định và giám sát chặt chẽ hơn đối với quá trình xin nhận con nuôi quốc tế. Kể từ đó, số lượng nhận con nuôi quốc tế ở Trung Quốc liên tục giảm, với mức giảm mạnh trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Năm 2020, chỉ có 202 trẻ em được các gia đình Mỹ nhận nuôi và không có trường hợp nhận nuôi nào trong 2 năm tiếp theo. Năm 2023, chỉ có 16 trẻ em Trung Quốc được các gia đình Mỹ nhận nuôi.
Ngoài ra, khi dân số ngày càng già đi, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ mối quan ngại quá tải dân số sang tỷ lệ sinh giảm. Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, dân số nước này năm 2023 giảm 2,08 triệu người, xuống còn khoảng 1,41 tỉ người, qua đó đã “nhường” vị trí quốc gia có dân số đông dân nhất thế giới cho Ấn Độ.
Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác gần đây cũng thắt chặt các hạn chế liên quan đến việc nhận con nuôi quốc tế. Đơn cử, Ethiopia, nước từng là nguồn cung cấp con nuôi quốc tế hàng đầu, đã cấm hoạt động này sau các vụ lạm dụng trẻ em gây chấn động. Hồi tháng 1-2024, cơ quan nhận con nuôi duy nhất của Đan Mạch thông báo ngừng hoạt động cho nhận con nuôi từ nước ngoài, sau khi có lo ngại về các thủ tục và giấy tờ giả mạo. Cơ quan quản lý ở Na Uy cũng khuyến nghị dừng việc nhận con nuôi ở nước ngoài trong 2 năm, trong khi chờ điều tra về một số trường hợp nhận nuôi.
NGUYỆT CÁT (Theo Firstpost, Newsmax)