16/10/2009 - 09:00

Vì sao Trung - Ấn "khẩu chiến"?

Binh sĩ Trung Quốc tại khu vực Tây Tạng, giáp Ấn Độ. Ảnh: THX

Ngày 14-10, bốn bộ quan trọng gồm Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính và Quốc phòng của Ấn Độ đã đồng loạt phản pháo việc Trung Quốc “gây hấn” sau chuyến thăm bang Arunachal Pradesh, Đông Bắc Ấn Độ, của Thủ tướng Manmohan Singh hồi đầu tháng này.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho rằng những tuyên bố của Bắc Kinh có thể làm bùng phát “sự rối loạn” ở khu vực chưa từng được vạch biên giới chính thức này. Họ thậm chí còn dọa rằng quan hệ lâu dài giữa New Delhi và Bắc Kinh có thể bị hủy hoại nếu Trung Quốc không ngừng các dự án hợp tác với Pakistan xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát. Trước nay, việc phản đối kế hoạch trị giá 1,5 tỉ USD này chỉ nhằm vào Pakistan và đây là lần đầu tiên Ấn Độ trực tiếp cảnh báo Trung Quốc. Còn Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee thì bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc, và cho rằng chuyến đi của Thủ tướng Singh hoàn toàn hợp hiến, vì bang này là phần lãnh thổ không thể tách rời của Ấn Độ.

Tranh chấp biên giới Trung – Ấn diễn ra từ nhiều thập niên qua và từng dẫn tới chiến tranh vào năm 1962. Đầu tuần này, nó được khơi mào trở lại sau khi Bắc Kinh công khai chỉ trích việc Thủ tướng Singh vận động tranh cử ở Arunachal Pradesh. Trung Quốc nói Ấn Độ chiếm 90.000 km2 đất của họ ở Arunachal Pradesh. Ngược lại, Ấn Độ cho rằng Trung Quốc sở hữu bất hợp pháp 43.180 km2 ở khu vực Jammu và Kashmir. Sau khi Ấn Độ và Pakistan chia tách năm 1947, khu vực Jammu và Kashmir bị phân chia manh mún, với 45% thuộc về Ấn Độ, 33% của Pakistan và phần còn lại của Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc chỉ trích chuyến thăm Anurachal Pradesh của Thủ tướng Singh là do lo ngại về chuyến thăm thành phố Tawang thuộc bang này vào tháng 11 tới của Dalai Lama, lãnh đạo tinh thần đòi ly khai cho Tây Tạng, khu tự trị ở Tây Bắc Trung Quốc. Nguyên nhân là Tây Tạng đã nhượng lại Tawang cho Ấn Độ thời nước này là thuộc địa của Anh vào năm 1914. Do vậy, Bắc Kinh lo rằng chuyến đi của ông Dalai Lama sẽ là ám chỉ rằng Tây Tạng từng độc lập với Trung Quốc. Đó sẽ là nguy cơ nghiêm trọng đối với chủ quyền của Bắc Kinh ở Tây Tạng và các khu tự trị khác. Chính vì vậy mà Bắc Kinh đã chủ động tấn công ngoại giao nhằm cắt đứt chủ quyền của Ấn Độ ở những khu vực tranh chấp này.

Nhưng cũng có nhà phân tích nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Mohan Guruswamy, Chủ tịch Trung tâm lựa chọn chính sách Ấn Độ, cho rằng Trung Quốc bị kích động bởi cuộc cạnh tranh khu vực và lo sợ sự phát triển của Ấn Độ sẽ qua mặt nước này vào năm 2035. Thực tế là sự vươn lên của New Delhi là một thách thức lớn đối với Bắc Kinh trong việc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á.

N. KIỆT
(Theo DNA, Reuters, Newsweek)

Binh sĩ Trung Quốc tại khu vực Tây Tạng, giáp Ấn Độ. Ảnh: THX

Chia sẻ bài viết