Bằng tuyên bố chiến thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên trước đối thủ Kamala Harris của đảng Dân chủ, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump khẳng định không tham gia bất kỳ sự kiện tương tự nào cho đến ngày bầu cử 5-11.
Ông Trump và bà Harris tại cuộc tranh luận hôm 10-9. Ảnh: Getty images
Ngày 10-9, ứng cử viên tổng thống Mỹ của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ có buổi tranh luận trực tiếp trong sự kiện do Ðài ABC News tổ chức tại thành phố Philadelphia.
Ðược đánh giá thể hiện tốt hơn, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Harris sau đó cho biết họ “nợ”cử tri một cuộc tranh luận khác và đã kêu gọi tổ chức cuộc tranh luận lần 2. Ðáp lại, cựu Tổng thống Trump tuyên bố ông không cần cuộc tranh luận nào nữa sau cáo buộc 2 phóng viên ABC News chủ trì sự kiện ngày 10-9 “có thành kiến chính trị” và “thiên vị” đối thủ. Trước đó, ông Trump đã đề xuất tổ chức thêm các buổi tranh luận trên những kênh truyền thông bảo thủ như Fox và NBC News nhưng bà Harris chỉ đồng ý sự kiện do ABC News tổ chức. Trong tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump nói bà Harris muốn tái đấu vì kết quả rõ ràng không nghiêng về phe Dân chủ và rằng “ứng cử viên cánh tả cấp tiến” nên tập trung vào những gì bà cần làm trong gần 4 năm trên cương vị phó tổng thống.
Trước đó, cả ông Trump lẫn bà Harris đều tuyên bố chiến thắng sau cuộc tranh luận kéo dài 90 phút. Theo chiến dịch tranh cử của ông Trump, tỉ phú New York “mạnh mẽ áp đảo đối thủ” trong những vấn đề mà người Mỹ quan tâm dưới chính quyền do Tổng thống Joe Biden và bà Harris điều hành bao gồm lạm phát tăng cao, biên giới mất kiểm soát và tội phạm tràn lan. Ngược lại, các cố vấn đảng Dân chủ khẳng định bà Harris đã “thống lĩnh sân khấu” về mọi vấn đề khi làm ông Trump bối rối, thông qua đó mở ra “một con đường mới” cho đất nước.
Các cuộc tranh luận trên truyền hình bắt đầu từ năm 1960, với ứng cử viên đảng Dân chủ khi đó là John F. Kennedy đối đầu ứng viên đảng Cộng hòa Richard Nixon. Thông thường, trong hầu hết các chu kỳ bầu cử sẽ có 2 hoặc 3 cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống cùng với ít nhất một cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên phó tổng thống.
Hiện chưa rõ cuộc tranh luận tiếp theo giữa bà Harris và ông Trump có diễn ra hay không và trong điều kiện nào. Với quan điểm thay đổi mỗi ngày, chiến dịch tranh cử của bà Harris không chắc lắm về tuyên bố của ông Trump sẽ không tranh luận trực tiếp nữa. Trong khi đó, chuyên gia tư vấn cho chiến dịch của liên danh tranh cử tổng thống đảng Dân chủ, Adam Green nói với Ðài BBC rằng một quyết định như vậy của ông Trump sẽ “có lợi” cho bà Harris. Hiện tại, kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump 5 điểm trên toàn quốc khi 53% số người được hỏi đánh giá phó tổng thống vượt trội hơn đáng kể trong cuộc tranh luận. Chiến dịch của bà Harris cũng huy động được 47 triệu USD trong vòng 24 tiếng sau cuộc tranh luận. Ðây là khoản gây quỹ lớn nhất trong 24 tiếng của phe Dân chủ kể từ đợt huy động 81 triệu USD sau tin bà Harris thay thế Tổng thống Biden làm ứng cử viên tổng thống vào tháng 7.
Trong khi đó, một số quan chức, nhà tài trợ và cố vấn của đảng Cộng hòa đã thừa nhận ứng cử viên của họ có “thành tích kém” và “bỏ lỡ cơ hội” quảng bá thông điệp của mình. Nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng bà Harris đã “chuẩn bị rất kỹ lưỡng” trong khi ông Trump khuếch đại một tuyên bố sai sự thật trên mạng về người nhập cư Haiti. Hai trong số 6 nhà tài trợ còn nói rằng họ không chắc liệu ông Trump có thể tập trung và nên tham gia tranh luận lần nữa hay không trong bối cảnh cuộc đua tại các tiểu bang chiến trường quan trọng như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin đang diễn ra khốc liệt.
Theo giới phân tich, từ chối tranh luận trực tiếp lần 2 cũng là cách ông Trump né tránh tạo cơ hội mới cho bà Harris thể hiện quan điểm chính sách một cách rộng rãi và rõ ràng hơn trước những cử tri độc lập chưa hiểu biết nhiều về bà.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Axios)