08/03/2020 - 06:42

Vì sao nhiều thanh niên Mỹ gốc Á tự tử ? 

Theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tuy tỷ lệ tự tử ở nhóm thanh niên Mỹ gốc Á có thấp hơn trong toàn dân số xứ cờ hoa, nhưng tỷ lệ này đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua.

Thanh niên Mỹ gốc Á chịu áp lực cao phải thành công trong học tập lẫn sự nghiệp. Ảnh: Americanprogress.org

Cụ thể, tỷ lệ tự tử trong nhóm người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương (AAPI) từ 20-24 tuổi đã tăng từ 7,4% lên 13,6% trong giai đoạn 2011-2018. Tự tử cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm AAPI từ 15-24 tuổi. Riêng trong nhóm AAPI từ 20-24 tuổi, tự tử chiếm đến 33,1% số ca tử vong trong năm 2017 - tỷ lệ cao nhất trong tất cả sắc tộc tại Mỹ.

Nhiều gốc rễ của vấn đề

Jorge Wong, một nhà tâm lý học tại Đại học Palo Alto, gọi những thống kê này là “đáng báo động”. Tuy chưa rõ yếu tố gì đứng đằng sau xu hướng tự sát gia tăng trong nhóm AAPI trẻ tuổi, song Wong cho rằng một số thay đổi về văn hóa và xã hội có thể gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của AAPI và đẩy họ vào nguy cơ tự sát. Mạng xã hội cũng là một yếu tố, bởi cuộc sống “lý tưởng” thể hiện trên đó tạo ra áp lực và thiếu tự tin cho người dùng. Sự lan truyền các thông điệp tự sát và việc tiếp xúc trực tuyến với các vụ tự tử cũng làm trầm trọng thêm vấn đề - nhất là với thanh thiếu niên.

Mặc dù AAPI thường được xem là những người đạt thành tích cao trên đất Mỹ, song các chuyên gia cho biết sức khỏe tâm thần của nhóm này đang bị đe dọa bởi áp lực nặng nề về việc phải thành công và sự xung đột trong bản sắc văn hóa của họ. Đơn cử, nghiên cứu gần đây của Đại học Indiana cho thấy các vấn đề học đường dễ làm tăng gấp 2 lần nguy cơ tự tử cho các AAPI dưới 25 tuổi so với những người đồng trang lứa da trắng. Kết quả đó bắt nguồn từ sự kỳ vọng đặc biệt cao từ cả sinh viên và phụ huynh gốc Á.

Ngoài áp lực từ gia đình, AAPI còn chịu áp lực từ xã hội. Chẳng hạn, người gốc Á siêng năng, có học thức và được trả lương cao là một quan điểm phổ biến mà các AAPI thế hệ thứ hai phải đối mặt. Một quan điểm tương tự khác là việc sinh viên gốc Á được “gắn mác” là trầm tính, ngoan ngoãn và yếu thế trong quan hệ xã hội.

Mặt khác, tác động trực tiếp từ bản sắc mập mờ giữa 2 nền văn hóa cũng dẫn tới cảm giác bị cô lập và bất an cho các AAPI trẻ tuổi. Họ cảm thấy việc bị giằng xé giữa các giá trị phương Tây và phương Đông có thể khiến họ chối bỏ nguồn gốc văn hóa của mình. Ngoài ra, theo ông Wong, sự gia tăng của hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc và các hành vi phân biệt đối xử tại Mỹ trong những năm qua cũng có thể góp phần gây ra vấn đề tự tử  ở thế hệ trẻ AAPI.

Song trên hết, chính sự cấm kỵ mạnh mẽ đối với bệnh tâm thần của gia đình  có thể đã ngăn cản thanh niên gốc Á tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp bất chấp những hậu quả chết người. Điển hình như trường hợp của Katherine Xie, cô gái vấp phải phản ứng tức giận của cha mẹ khi lần đầu tiên tỏ ý muốn đi tư vấn tâm lý vào năm 14 tuổi. Bố mẹ Xie cho rằng vấn đề đó không có thật và buộc cô phải tự vượt qua. Kết quả là thay vì tìm sự giúp đỡ, Xie vật lộn với những cảm xúc bất ổn của mình, che giấu tâm lý trước người khác và bị trầm cảm ngày một nặng trong suốt 4 năm.

Thật ra, đối với người châu Á, việc hỏi thăm về tình trạng tâm thần của người khác được xem là thô lỗ và khiến người đó “mất mặt”. Bên cạnh đó, do được nuôi dạy theo các giá trị truyền thống phương Đông về tính chịu đựng và kiên cường, những người nhập cư gốc Á thế hệ đầu tiên có xu hướng dùng sự im lặng như một cách đối phó trước vấn đề tâm lý. Trái lại, thế hệ gốc Á thứ hai được nuôi dưỡng theo văn hóa phương Tây, nên thường không có thói quen tự chịu đựng. Khi cảm thấy ngột ngạt, họ dễ có những hành vi thiếu kiểm soát (mà đỉnh điểm là tự tử).

Một số biện pháp kiểm soát

Để ngăn chặn xu hướng tự sát trong nhóm AAPI trẻ tuổi, các tổ chức chăm sóc sức khỏe ở Mỹ đang tung ra nhiều biện pháp ngăn ngừa - từ tiếp cận giáo dục cho đến các đường dây nóng bằng nhiều ngôn ngữ châu Á.

Đặc biệt, bộ phim kéo dài 26 phút có tựa đề Looking for Luke kể về vụ tự tử của một sinh viên năm hai Đại học Harvard gây chấn động năm 2015 cũng giúp cởi bỏ phần nào thành kiến chuyện công khai bệnh tình tâm thần của người Mỹ gốc Á. Bộ phim gởi thông điệp rằng nếu cậu sinh viên Luke Tang được chẩn đoán và chữa trị bệnh tâm thần sớm sẽ không có kết cục đau lòng. Nhà làm phim trẻ Eric Lu (gốc Đài Loan) cho biết anh từng rơi vào hoàn cảnh bị trầm cảm và có ý định tự tử năm 2014 như Luke Tang. Khi đó, Lu bị gia đình dọa ruồng bỏ nếu theo đuổi đam mê nghiệp phim ảnh mà không tiếp tục học ngành y Đại học Harvard. 

NGUYỆT CÁT (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết