07/04/2009 - 08:41

Vì sao Mỹ đặc biệt quan tâm Thổ Nhĩ Kỳ ?

Tổng thống Obama bắt tay với Thủ tướng Erdogan sau khi phát biểu tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-4.
Ảnh: Reuters

Hôm qua 6-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Thổ Nhĩ Kỳ, trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến Âu du tham dự 3 hội nghị quan trọng: hội nghị thượng đỉnh G20 ở Anh, hội nghị thượng đỉnh NATO ở Đức và Pháp, và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Czech. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia với đa số dân theo đạo Hồi đầu tiên ông Obama đặt chân đến kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ.

Trước đó trong hội nghị tại Czech hôm 5-4, Tổng thống Obama công khai ủng hộ nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Tuy nhiên, thiện chí này không được Pháp và Đức ủng hộ (Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Angela Merkel từng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên đầy đủ của khối). Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc lên tiếng ủng hộ Ankara trở thành thành viên của EU có thể giúp ông Obama giải quyết một thách thức khác - hàn gắn quan hệ đồng minh vốn đã rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ.

Suốt 8 năm qua, quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên hục hặc xung quanh các vấn đề khu vực. Năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Mỹ tấn công Iraq và Quốc hội nước này từ chối đề nghị cho Mỹ mượn đường tiến quân vào Iraq. Dư luận Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quan hệ với Mỹ giảm xuống tới mức thấp nhất trong thời gian cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ George Bush. Khảo sát năm 2007 cho thấy chỉ có 9% người dân của quốc gia Hồi giáo này ủng hộ quan hệ đồng minh với Mỹ, giảm mạnh so với mức 52% năm 2002. Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ tỏ ra không hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ chủ động hòa giải với các nước Trung Đông, đặc biệt là cải thiện quan hệ với Syrie và Iran.

Việc ông Obama đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi kết thúc chuyến công du châu Âu, chứ Ankara không phải là điểm dừng chân trong chuyến thăm Trung Đông, cho thấy Washington xem trọng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và coi nước này là một phần của châu Âu. Thật ra, Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có tiếng nói quan trọng trong thế giới Hồi giáo, cho kế hoạch rút quân khỏi quốc gia Hồi giáo Iraq, tăng quân ở Afghanistan (cũng là một nước Hồi giáo) cũng như truy quét mạng lưới Al Qaeda ở Pakistan.

Do đó, bài phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Obama (Tổng thống Mỹ làm việc này gần đây nhất là ông Bill Clinton năm 1999), được xem là cơ hội tốt để ông tranh thủ sự ủng hộ của dư luận nước này. Ông Obama cũng hội đàm với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Abdullah Gul, về vai trò của Ankara ở Trung Đông và khu vực Kavkaz. Với chủ trương giải quyết bất đồng bằng ngoại giao, chính quyền Obama xem việc Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần với Syrie và Iran có thể giúp Washington nối lại đàm phán với 2 quốc gia thù địch này. Mặt khác, Nhà Trắng cũng phấn khởi trước triển vọng Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở cửa lại biên giới với Armenia và đóng vai trò lớn hơn ở Kavkaz, khu vực cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều có hệ thống đường ống dẫn dầu khí đi qua (để đến thị trường châu Âu).

N.MINH
(Theo Csmonitor, Reuters, AFP)

Tổng thống Obama bắt tay với Thủ tướng Erdogan sau khi phát biểu tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-4. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết