27/04/2008 - 09:18

Về đâu, dân tị nạn Iraq?

  Từ năm 2003 đến nay, thị trấn Sodertalje tiếp nhận người Iraq tị nạn nhiều hơn Mỹ. 

Năm ngoái, sự nghiệp của Tobya tan thành tro bụi. Đầu tiên là cửa hàng rượu ở trung tâm Baghdad bị bom xăng thiêu rụi. Không lâu sau, đối tác làm ăn bị bọn bắt cóc bắn chết. Lo sợ tính mạng bản thân, Tobya khăn gói đến thị trấn Sodertalje yên bình ở Thụy Điển, nơi người thân và bạn bè ông đang nương náu. Năm nay đến lượt ông, chính phủ Thụy Điển lại từ chối và đề nghị ông quay về Iraq. “Nếu họ đảm bảo an toàn, tôi sẽ trở về ngay. Nhưng Baghdad là địa ngục”, Tobya thất vọng nói.

Từ khi Mỹ xâm lược Iraq, đến nay đã có ít nhất 4,7 triệu người Iraq phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở Trung Đông trong vòng 60 năm qua. Khoảng một nửa vẫn còn trên lãnh thổ Iraq trong khi 2 triệu người khác tràn qua Syrie và Jordanie, sống chen chúc trong các bệnh viện và trường học, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ ở và nước sinh hoạt. Các tổ chức nhân đạo cho biết hoàn cảnh người tị nạn ở những quốc gia này ngày càng bi đát, nhiều người sống trong lều trại xiêu vẹo và đánh vật với cuộc sống thiếu trước hụt sau.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo nếu các nước giàu không sớm có hành động giúp đỡ thì tình cảnh những người tị nạn sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Thế nhưng, hầu hết các nước phương Tây đều từ chối trợ giúp trực tiếp cho Syrie và Jordanie, hoặc chỉ tiếp nhận số ít người tị nạn. Đơn cử năm 2007, Mỹ - nước khởi xướng chiến tranh Iraq - chỉ nhận hơn 1.600 người tị nạn Iraq, thấp hơn nhiều so với cam kết ban đầu là 7.000 người.

Trong khi đó, Thụy Điển, quốc gia không hề tham chiến tại Iraq, lại có nghĩa cử cao thượng. Nhờ chương trình tái định cư mở rộng của chính phủ Thụy Điển, dân tị nạn Iraq có được nơi ăn chốn ở, được đào tạo nghề và nhận tiền trợ cấp hàng tháng để trang trải cuộc sống. Từ năm 2003 đến nay, gần 49.000 người Iraq kéo đến Thụy Điển, trong đó riêng thị trấn Sodertalje ở phía Nam Thủ đô Stockholm đón nhận 5.000-6.000 người. Năm ngoái, 18.550 người Iraq đến tị nạn ở nước này, gần bằng các nước châu Âu khác gộp lại.

Tuy nhiên, dòng người Iraq đổ xô đến Thụy Điển khiến hệ thống phúc lợi xã hội ở đây bị quá tải, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi dân địa phương. Không còn sự lựa chọn nào khác, nước này bắt đầu trục xuất bớt người tị nạn và từ đầu năm đến nay, chỉ xét 25% đơn tị nạn của người Iraq, giảm hơn 2/3 so với 2007. Bộ trưởng Nhập cư Tobias Billstrom cho rằng biện pháp này mặc dù bị các tổ chức nhân đạo phản đối nhưng cần thiết để giữ cho hệ thống an sinh của nước này không sụp đổ.

Trước đó, Thụy Điển nhiều lần thúc giục các nước Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ gánh nặng nhưng kết quả không là bao. Bình quân, các nước EU chỉ giải quyết 11% đơn xin tị nạn của người Iraq, thậm chí có một số nước, như Hy Lạp, xét chưa tới 1%. Theo Cao ủy Tị nạn LHQ, nguyên nhân là do sau sự kiện 11-9-2001 tại Mỹ, EU yêu cầu các nước thành viên kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn đề nhập cư.

Để thâm nhập vào EU, nhiều người Iraq không ngại bán mọi thứ hòng có được 10.000-20.000 USD để thuê thuyền ọp ẹp hoặc nhốt mình trong những xe container kín mít... để vượt biên. Joulet Barbar kể, cô phải bán toàn bộ gia sản và phải vay thêm 10.000 USD mới đủ lộ phí đến Sodertalje.

Thất lạc hết người thân và bạn bè; nhà cửa, tài sản tiêu tan trong khi không biết bao giờ đất nước mới hết chiến tranh nên phần lớn người tị nạn Iraq không còn nghĩ đến việc sẽ quay trở lại quê nhà.

THỤY TRÚC (Theo CSMonitor)

THỤY TRÚC (Theo CSMonitor)

Chia sẻ bài viết