23/04/2010 - 20:17

Vận hội mới để đồng bằng cất cánh !

Hôm nay, cầu Cần Thơ khánh thành đưa vào sử dụng làm hàng triệu trái tim người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hân hoan. Niềm mong ước hàng trăm năm nay của người dân đã trở thành hiện thực, đôi bờ sông Hậu được nối bằng chiếc cầu dây văng hiện đại nhất Đông Nam Á. Công trình còn là biểu tượng mới cho vùng châu thổ, nâng cánh cho sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Cùng với niềm vui chung ấy, lãnh đạo các tỉnh, thành đã chia sẻ, nói về vận hội mới thúc đẩy ĐBSCL cất cánh.

* ÔNG TRẦN THANH MẪN, CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ:
Đánh dấu một thời kỳ phát triển mới cho cả vùng ĐBSCL

 

- Chúng tôi luôn theo dõi từng ngày, từng giờ sự hình thành của công trình cầu Cần Thơ trong niềm tự hào. Có được niềm vui lớn hôm nay, chúng tôi xin được thay mặt thành phố cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước. Cảm ơn anh chị em công nhân, kỹ sư và những người đã góp trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu để xây dựng hoàn thành công trình lịch sử ngày hôm nay. Cùng với sự hân hoan chung của cả nước, chúng tôi đang được trải qua những giây phút với niềm phấn khởi khó tả. Có lẽ mỗi người dân miền Tây đều có cùng những cảm xúc trong không khí vui mừng phấn khởi này - khoảnh khắc đánh dấu sự nối liền giao thông từ Bắc chí Nam, khoảnh khắc đánh dấu một thời kỳ phát triển mới cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Cầu Cần Thơ đã nối thông phần còn lại của vựa lúa ĐBSCL với cả nước, giúp cho các tỉnh, thành ĐBSCL khai thác tiềm năng kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng.

TP Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, cùng với công trình cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ đang được nâng cấp trở thành sân bay quốc tế, luồng sông Hậu đang được nạo vét, dự án kênh đào Quan Chánh Bố đang được triển khai, Cảng biển Cái Cui đang được đầu tư mở rộng giai đoạn 2, Trung tâm nhiệt điện Ô môn 3.000MW... tất cả đang tạo ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư, du lịch, tạo động lực mới cho TP Cần Thơ cất cánh, nhanh chóng trở thành thành phố công nghiệp, trung tâm giao thương, tài chính ngân hành, y tế, giáo dục của vùng ĐBSCL. Với công trình cầu Cần Thơ, có lẽ TP Cần Thơ đã cơ bản hội đủ các yếu tố cần thiết để trở thành thành phố động lực của vùng, một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có khả năng liên kết, hợp tác, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và cả nước... Tôi tin chắc rằng, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và sẽ có sự bứt phá ngoạn mục cho sự phát triển của cả vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

* ÔNG NGUYỄN PHONG QUANG, BÍ THƯ TỈNH ỦY HẬU GIANG:
Đây cũng là cơ hội lớn cho Hậu Giang

 

Chính phủ và Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ nối sông Hậu là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với ý nguyện lòng dân của vùng ĐBSCL đã mong đợi từ ngàn xưa đến nay.

Hiện nay, nhu cầu đi lại, thông thương ngày càng cấp bách, người dân cả nước, vùng ĐBSCL khi đến Cần Thơ đều ngán ngẩm vì phải chờ qua phà Cần Thơ. Công trình khánh thành, cả vùng đều phấn khởi chứ không riêng gì Cần Thơ hay Hậu Giang. Trước đây, tỉnh Cần Thơ chưa chia tách, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND đã tính toán đến việc quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội khi công trình cầu Cần Thơ hoàn thành, đảm bảo sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Khi chia tách TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang thì quan điểm của Hậu Giang vẫn bảo toàn quy hoạch phát triển phải gắn với công trình cầu Cần Thơ. Giờ đây, cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng, mong ước đã trở thành hiện thực, thông thương thì Hậu Giang cũng được hưởng lợi rất nhiều.

Trước tiên là việc đi lại giữa Hậu Giang và các địa phương sẽ thuận tiện hơn. Qua khỏi dốc cầu Cần Thơ, thì thời gian đến trung tâm tỉnh lỵ chỉ mất 30 phút, tạo điều kiện để Hậu Giang thu hút đầu tư. Hiện Khu công nghiệp Sông Hậu của tỉnh đã cơ bản lấp đầy các doanh nghiệp tới đăng ký đầu tư, thông tin cầu Cần Thơ hoàn thành đã thúc đẩy nhà đầu tư đến nhận bàn giao đất, triển khai những dự án mà trước đây họ đã đăng ký như: nhà máy giấy, nhà máy đóng tàu, nhà máy điện 5.500MW, nhà máy chế biến thủy sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á... tạo luồng sinh khí mới cho sự phát triển công nghiệp. Nhà đầu tư sẽ vào Hậu Giang nhiều hơn, nhờ cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh, với giá thuê đất rẻ hơn các nơi, ưu đãi miễn, giảm thuế... Thương mại- dịch vụ và du lịch của tỉnh cũng phát triển song hành cùng với công nghiệp. Đồng thời, các trục đường chính từ cầu Cần Thơ như: đường Nam Hậu, Quản Lộ Phụng Hiệp, bờ kè kinh Xáng Xà No... đến trung tâm Hậu Giang đang được triển khai xây dựng sẽ giúp mở toang cho vùng “rốn” của Hậu Giang phát triển.

* ÔNG PHẠM VĂN ĐẤU, CHỦ TỊCH UBND TỈNH VĨNH LONG:
Mở ra một tương lai đầy hứa hẹn

 

- Cầu Cần Thơ vượt sông Hậu nối Vĩnh Long - TP Cần Thơ liền một dải, là niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị giữa chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản, đánh dấu sự kiện đặc biệt quan trọng về giao thông đường bộ thông suốt từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Công trình này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải hàng hóa, tác động tích cực đến việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giao lưu hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Long - TP Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Riêng Vĩnh Long đây sẽ là điều kiện rất tốt để phát huy lợi thế, chắp cánh cho Bình Minh, Bình Tân phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Huyện Bình Minh và Bình Tân sẽ trực tiếp “hưởng lợi” từ công trình này. Từ đây, việc học hành, giao thương mua bán của người dân, doanh nghiệp giữa 2 huyện với TP Cần Thơ trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết và sẽ có điều kiện để thúc đẩy phát triển, nhất là phát triển đô thị, thương mại dịch vụ... Để đón đầu công trình này, Vĩnh Long cũng đã quy hoạch và đầu tư các khu dân cư đô thị, khu công nghiệp tại Bình Minh, mời gọi các doanh nghiệp đến làm ăn, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Tất cả đang mở ra một tương lai đầy hứa hẹn tại vùng đất bờ Bắc cầu Cần Thơ cặp sông Hậu hiền hòa này...

Từ cầu Cần Thơ chúng ta sẽ có thêm niềm tin rằng ĐBSCL đã được chắp thêm đôi cánh đưa vùng đất “chín rồng” tăng tốc phát triển với một tương lai tươi đẹp.

* ÔNG NGUYỄN TRUNG HIẾU, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH SÓC TRĂNG:
Phát huy lợi thế để thu hút đầu tư

 

Cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng sẽ nối tuyến đường Nam sông Hậu tạo điều kiện cho Sóc Trăng phát huy lợi thế trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Sóc Trăng đã hoạch định cho mình nhiều dự án trên hành lang cung đường này. Một trong những dự án lớn đó là khu công nghiệp Đại Ngãi, Trần Đề và Cái Côn. Ngoài ra, từng địa phương có tuyến đường đi qua cũng đã xây dựng cho mình những dự án nhằm kết nối với con đường này phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân. Giao thông thuận tiên, thời gian đi lại được rút ngắn nên các nhà đầu tư sẽ không còn phải e ngại cảnh ngăn sông cách trở. Một điều quan trọng nữa là Sóc Trăng đã chuẩn bị và ban hành các chính sách ưu đãi hấp dẫn và đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục, kể cả việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho những kế hoạch phát triển trong tương lai. Chúng tôi không thụ động ngồi chờ mà chủ động tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, tỉnh còn tranh thủ các cơ hội ngoại giao để tiếp cận, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Sóc Trăng.

Trên thực tế, đường Nam sông Hậu nối vào cầu Cần Thơ sẽ giúp các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: lúa gạo, tôm sú, hành tím, trái cây... có thêm điều kiện thông thương, góp phần tiêu thụ nông sản hàng hóa. Dự án vùng chuyên canh cây ăn trái ở huyện Kế Sách đã khởi động ngay từ khi cầu Cần Thơ và tuyến đường Nam sông Hậu khởi công đến nay đã đi được những bước đầu tiên rất lạc quan. Hành tím Vĩnh Châu sau khi được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, nay lại có thêm điều kiện đóng container tại chỗ, giúp giảm chi phí, tăng thêm tính cạnh tranh với các nước trong khu vực... Bên cung đường Nam sông Hậu này, Sóc Trăng đang khởi động dự án xây dựng thương hiệu cho tôm sú sạch Sóc Trăng với sự tư vấn của Công ty Quản lý nguồn công nghiệp Việt Âu và đối tác là Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh của tỉnh Sóc Trăng.

Có thể nói, cơ hội mới đang mở ra với Sóc Trăng và tỉnh sẽ tranh thủ nắm bắt để phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách ổn định và bền vững.

THIỆN KHIÊM - THU HÀ - XUÂN TRƯỜNG
(thực hiện)

THIỆN KHIÊM - THU HÀ - XUÂN TRƯỜNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết