31/08/2024 - 08:44

Vĩnh Thạnh:

Ðảm bảo an toàn, hiệu quả sản xuất lúa thu đông 

Vụ lúa thu đông 2024, huyện Vĩnh Thạnh cơ bản xuống giống đạt kế hoạch đề ra. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn đòng, trổ, phát triển tốt. Công tác chăm sóc, bảo vệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất đang được địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, với mong muốn gặt hái được vụ mùa bội thu…

 Mô hình canh tác lúa kết hợp trồng rau màu trên bờ đê phát triển tại huyện Vĩnh Thạnh.

Dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Vĩnh Thạnh trong những ngày cuối tháng 8-2024 là những cánh đồng lúa xanh rì, tươi tốt đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Nông dân huyện Vĩnh Thạnh bắt tay vào công tác sản xuất, bảo vệ lúa thu đông, hạn chế ngập úng do mưa nhiều, nước thượng nguồn đổ về... Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Năm nay mưa nhiều nên ruộng đầy ắp nước. Vụ thu đông này, gia đình tôi gieo sạ trên 10 công đất. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác "1 phải, 5 giảm" lúa phát triển tốt, giảm chi phí sản xuất. Trong mùa mưa, lúa dễ xuất hiện dịch bệnh đạo ôn lá. Công tác chăm sóc, đủ lượng nước cho lúa phát triển được gia đình đặc biệt quan tâm và thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp huyện". 

Vụ thu đông năm nay, huyện Vĩnh Thạnh xuống giống với diện tích gần 23.000ha, đạt gần 111% kế hoạch. Cơ cấu giống lúa chủ yếu OM 5451, OM 4218 và các giống lúa thơm đặc sản. Do đặc thù thổ nhưỡng, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh chia làm 2 đợt xuống giống ở vùng Nam Cái Sắn và Bắc Cái Sắn. Trà lúa các vùng trên đều phát triển tốt. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, để có một vụ lúa thu đông thắng lợi toàn diện, tránh tình trạng dịch bệnh, sâu hại phá hoại, địa phương ứng dụng các biện pháp sản xuất tiến bộ "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", quản lý dịch bệnh tổng hợp vào sản xuất... Ngành Nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ bà con bảo vệ đê bao, tập trung phương tiện bơm tát nhằm hạn chế tác hại do mưa nhiều, nước thượng nguồn đổ về... Đặc biệt, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo nông dân chuyển đổi nuôi trồng thủy sản hoặc mở đồng đón nước hứng lấy phù sa tại diện tích không sản xuất được vụ lúa thu đông.

Vụ thu đông 2024, ngoài lúa, nông dân huyện Vĩnh Thạnh còn xuống giống sản xuất rau màu với diện tích xuống giống mới trong tháng 8 là 124,2ha, trong đó canh tác trên nền lúa 45,7ha, trồng bờ là 78,5ha. Lũy kế trong 8 tháng năm 2024, Vĩnh Thạnh có tổng diện tích rau màu xuống giống là 1.218,1ha, trong đó trên nền lúa 587,5ha, trồng bờ là 630,6ha. Từ đầu năm đến nay đã có 726ha rau màu được thu hoạch, lợi nhuận tăng cao hơn so với trồng lúa. Bên cạnh đó, địa phương hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm trên 424.000 con, phần lớn nông dân tăng đàn gia súc, gia cầm theo hướng an toàn đảm bảo quy luật cung cầu; diện tích thả nuôi thủy sản gần 302.000ha, trong đó cá tra thịt 110ha, cá tra giống 14,4ha… Tổng diện tích thủy sản được thu hoạch là 150,402ha, với sản lượng 24.102,45 tấn. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Công tác vệ sinh, tiêu độc môi trường, phòng ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản được quan tâm thực hiện, bảo vệ an toàn cho chăn nuôi trên địa bàn.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Vĩnh Thạnh tập trung thực hiện nhiều công trình thủy lợi. Trong đó, địa phương đã hoàn thành thủy lợi mùa khô với khối lượng thực hiện nạo vét, gia cố lại một số tuyến kênh và một số mương máng tưới tiêu có khối lượng 57.570m3, đạt 100,3% khối lượng, kinh phí  thực hiện 1,439 tỉ đồng. Các công trình vốn ngân sách nhà nước đầu tư cũng đã có kết quả thẩm định và đang trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các công trình nạo vét, khai thông dòng chảy, xây dựng đê bao... Trong đó, địa phương đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công 5 công trình và đã gửi thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật 3 công trình…

Hiện nay, thời tiết mưa nắng xen kẽ, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện một số giải pháp bảo vệ lúa thu đông thời gian tới, như chăm sóc lúa giai đoạn đòng cần chú ý bón phân đón đòng đúng thời điểm khi đòng mới nhú từ 1-2mm; cung cấp đủ dinh dưỡng đạm và kali để cây phân hóa đòng tạo nhiều nhánh gié và hoa lúa. Giai đoạn trổ cần đưa nước vào ruộng và giữ nước 3-5cm cho lúa trổ nhanh, đều và vào chắc tốt, không cần bón phân giai đoạn này khi đã cung cấp đầy đủ và kịp thời ở các đợt bón phân giai đoạn mạ, đẻ nhánh và đón đòng. Rầy nâu có khả năng tiếp tục gia tăng mật số trên trà lúa giai đoạn đòng, trổ đến chắc xanh, cần theo dõi mật số rầy nâu trên đồng ruộng để quản lý kịp thời; hạn chế việc phun thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch, giảm nguy cơ bùng phát sâu, rầy và các loài dịch hại khác vào giai đoạn sau; khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như tưới tiêu tiết kiệm nước, IPM, IPHM, SRP…

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: "Ngoài các phần việc trên, địa phương tiếp tục đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao từ nguồn ngân sách huyện. Ngay thời điểm này, huyện Vĩnh Thạnh tập trung chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ lúa, rau màu vụ thu đông 2024. Lúa thu đông hiện tại chủ yếu ở giai đoạn làm đòng đến trổ, ngành Nông nghiệp địa phương thăm đồng thường xuyên phát hiện vết bệnh sớm để hỗ trợ nông dân tiến hành xử lý kịp thời các bệnh cháy bìa lá, đạo ôn lá bằng thuốc đặc trị, vì đây là thời điểm quan trọng của cây lúa. Các xã, thị trấn cũng thường xuyên theo dõi dịch bệnh và hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời, an toàn, hiệu quả. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh và công tác kiểm tra vệ sinh thú y, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm; tiếp tục củng cố nâng chất hoạt động và phát triển thêm các mô hình cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu về trình độ và điều kiện sản xuất…".

Bài ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết