02/07/2020 - 10:45

Úc tập trung vào Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương 

Kế hoạch cải cách chiến lược và tái cơ cấu lực lượng quốc phòng được Thủ tướng Úc Scott Morrison (ảnh) công bố trong bối cảnh đồng minh Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó thách thức từ Trung Quốc.

Ảnh: Bloomberg

Phát biểu hôm 1-7, Thủ tướng Morrison cho biết Canberra sẽ chi 185 tỉ USD cho công tác phòng thủ 10 năm tới, so với 134 tỉ USD trong chiến lược đại tu quốc phòng công bố năm 2016. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, liên minh bảo thủ đã tăng chi tiêu quốc phòng từ 1,56% GDP - mức thấp nhất kể từ năm 1938 - lên 2% trong năm nay.

Giai đoạn này, chính phủ cam kết đóng các tàu khu trục mới theo hợp đồng trị giá khoảng 24 tỉ USD và 12 tàu ngầm trong thỏa thuận lên tới 34 tỉ USD. Năm 2018, Úc tiếp tục mua 72 máy bay chiến đấu với giá 79 triệu USD/chiếc. Trong kế hoạch cấu trúc lực lượng năm 2020, nước này dự kiến mua hoặc nâng cấp tàu chiến với tổng kinh phí 126 tỉ USD. Phần ngân sách còn lại được dành mua sắm các loại vũ khí, khí tài mới như tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C của Mỹ. Hợp đồng trị giá khoảng 550 triệu USD này giúp nâng tầm tấn công trên biển của hải quân Úc lên gấp 3 lần (370km).

Theo Bloomberg, Canberra trong chiến lược mới sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính: định hình môi trường chiến lược, ngăn những hành động chống lại lợi ích của Úc và xây dựng lực lượng quân sự đáng tin cậy.

Trong đó, chính quyền Morrison đặc biệt nhấn mạnh việc định hình môi trường chiến lược bằng cách tăng cường quan hệ hữu nghị với nhiều nước Ðông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Mục tiêu là ngăn các quốc gia “không thân thiện” xây dựng căn cứ quân sự, mở rộng sự hiện diện trong khu vực. Ðồng thời, Úc sẽ tập trung phòng thủ gần hơn, trải dài từ Ðông Bắc Ấn Ðộ Dương, đi qua biển và phần đất liền từ Ðông Nam Á đến Papua New Guinea và Tây Nam Thái Bình Dương. Trước nay, Úc vẫn duy trì lực lượng sẵn sàng cho nhiều hoạt động quân sự bên ngoài khu vực trực tiếp, bao gồm hỗ trợ các liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Theo giới quan sát, những thay đổi trọng tâm trong sách lược bảo vệ quốc gia phản ánh lo ngại của Úc trước việc đồng minh Mỹ ngày càng xa cách đối tác. Trong bối cảnh này, Canberra lại chịu sức ép từ Trung Quốc kể từ khi chính quyền Morrison cấm Tập đoàn viễn thông Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G vì lý do an ninh. Mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn sau nhiều lần Bắc Kinh bị tố can thiệp vào chính trường Úc. Gần đây, căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm với việc Trung Quốc trả đũa thương mại Úc sau khi nhiều quan chức nước này ủng hộ điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19.

Trong bài phát biểu có vẻ ám chỉ căng thẳng gần đây với Bắc Kinh, Thủ tướng Morrison cho biết những “hành vi cưỡng ép” xuất hiện ngày càng nhiều trong khi hoạt động gây rối thông tin và can thiệp của nước ngoài không ngừng gia tăng. Trong đó, ông xác định các dịch vụ giáo dục, y tế, công quyền và nhiều ngành công nghiệp khác trong nước đang trở thành mục tiêu tấn công mạng của thế lực “tinh vi”. Trước tình hình đó, ông Morrison nói rằng tăng cường khả năng răn đe của lực lượng quốc phòng là điều cần thiết, bao gồm chiến lược phát triển vũ khí tấn công tầm xa, năng lực tác chiến không gian mạng và hệ thống chống tiếp cận.

Theo Thủ tướng Morrison, thế giới đã thay đổi và điều này sẽ không dừng lại. Trong đó, quan điểm của Úc đối với Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là hướng tới xây dựng khu vực với hệ sinh thái hòa bình, ổn định và thịnh vượng. “Ðể làm được điều đó, bạn phải là một thế lực răn đe có trách nhiệm” - lãnh đạo Úc nhấn mạnh.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết