19/03/2023 - 07:04

UBS đang đàm phán để mua lại Credit Suisse 

Theo tờ Financial Times (FT), ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS đang trong quá trình đàm phán để mua lại toàn bộ hoặc một phần Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 của nước này hiện đang chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng tại Mỹ.

Logo của ngân hàng Credit Suisse. Ảnh: Shutterstock

Logo của ngân hàng Credit Suisse. Ảnh: Shutterstock

Credit Suisse - ngân hàng 167 tuổi, đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong 2 năm gần đây. Credit Suisse được coi là một mắt xích yếu trong lĩnh vực ngân hàng do hàng loạt bê bối và chương trình tái cấu trúc lớn công bố hồi tháng 10 năm ngoái.

Giá trị thị trường của ngân hàng này vừa bị giáng một đòn nặng nề do những lo ngại về hiệu ứng “domino” sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature của Mỹ, cùng với việc công bố báo cáo thường niên của Credit Suisse, trong đó chỉ ra “những điểm yếu quan trọng” trong kiểm soát nội bộ.

Ngày 15-3, cổ phiếu Credit Suisse đã giảm 24,2%, xuống dưới mức 2 franc Thụy Sĩ (2,18 USD)/cổ phiếu, sau khi cổ đông chính là Ngân hàng Quốc gia Saud Arabia tuyên bố sẽ không tăng cổ phần trong ngân hàng Thụy Sĩ này do những hạn chế về quy định. Đến tối 15-3, SNB đã “bơm” khoản vay 53,7 tỉ USD cho Credit Suisse vượt qua cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó tại Mỹ, Tập đoàn SVB Financial Group - công ty mẹ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) - đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Bảo hộ phá sản Mỹ. 

Luật phá sản theo Chương 11 là những quy định về việc phá sản cho phép doanh nghiệp ở Mỹ tái cơ cấu các khoản nợ và vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh, tức là doanh nghiệp đó có thể trì hoãn việc trả nợ trong khi thiết kế và thực hiện kế hoạch tái cơ cấu.

Quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản được SVB Financial Group đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này trở thành mục tiêu của một vụ kiện tập thể. Bên nguyên đơn cho rằng SVB Financial Group đã không thông báo về những rủi ro mà việc tăng lãi suất sẽ có thể tác động tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Theo SVB Financial Group, tập đoàn này đang có khoảng 2,2 tỉ USD thanh khoản. Hiện SVB Financial Group không còn liên quan tới SVB, sau khi ngân hàng này sụp đổ và theo đó thuộc quyền tiếp quản của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC).

Để bảo vệ tất cả người gửi tiền tại SVB, FDIC đã chuyển tất cả khoản tiền gửi tại SVB sang ngân hàng bắc cầu vừa được thành lập mang tên Silicon Valley Bridge Bank. Silicon Valley Bridge Bank hiện hoạt động dưới quyền tài phán của FDIC và theo đó không nằm trong hồ sơ xin bảo hộ phá sản của tập đoàn SVB Financial Group.

Hôm 16-3, 11 ngân hàng tư nhân Mỹ trong đó có cả các tên tuổi lớn như Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase đã tuyên bố sẽ gửi 30 tỉ USD vào Ngân hàng First Republic, qua đó xoa dịu những lo ngại rằng đây có thể là ngân hàng tiếp theo trong chuỗi “domino” phá sản sau SVB và Signature Bank (SB). 

TTXVN

Chia sẻ bài viết