19/07/2017 - 16:03

UAV Trung Quốc tự tin cạnh tranh với Mỹ

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất thương mại mẫu máy bay không người lái (UAV) mới phục vụ thị trường nước ngoài, thậm chí được cho là đối thủ tiềm năng cạnh tranh UAV Mỹ với giá thành chỉ bằng một nửa.

Theo Tân Hoa xã, mẫu UAV CH-5 mới mà Trung Quốc phát triển hồi tuần rồi đã có chuyến bay thử nghiệm tại sân bay quân sự tỉnh Hà Bắc. Đây là phiên bản dòng UAV Rainbow do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASC) sản xuất.

Mô hình UAV CH-5 của Trung Quốc (trái) được cho sao chép từ mẫu MQ-9 Reaper của Mỹ.

Với thiết kế sải cánh dài 21m và tải trọng tối đa một tấn, CH-5 được cho là dòng UAV ném bom lớn nhất và uy lực nhất của Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn hồi năm ngoái, kỹ sư trưởng dự án phát triển CH-5 Shi Wen cho biết mẫu UAV này có khả năng mang 16 tên lửa không đối đất và hoạt động liên tục trong gần 2 ngày. Ở phiên bản cải tiến, các chuyên gia khẳng định CH-5 có thể bay đến 120 giờ với phạm vi hơn 10.000 km. Sự bền bỉ này cho phép UAV Trung Quốc tiếp cận mục tiêu cách 3.000 km. Sau các thử nghiệm hồi tuần rồi, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc thậm chí nói rằng CH-5 có thể đạt hiệu suất ngang ngửa với "sát thủ" máy bay không người lái nổi tiếng của Mỹ là MQ-9 Reaper.

Ngoài ra, các nhà quân sự Trung Quốc cho biết ưu điểm lớn của CH-5 là giao diện người dùng đơn giản với các hoạt động cất cánh và hạ cánh tự động hóa. Vì vậy, một người có kiến thức cơ bản về hàng không cũng dễ dàng vận hành chỉ sau vài ngày đào tạo. Đặc biệt, Tổng giám đốc dự án UAV Rainbow Ou Zhongming cho biết CH-5 còn có thể biến đổi thành hệ thống cảnh báo sớm giá rẻ hoặc trang bị các bộ cảm biến như radar xuyên tường và mặt đất do Trung Quốc sản xuất, cho phép máy bay tiến hành khảo sát tại các độ cao khác nhau.

Quan trọng hơn nữa, theo Giáo sư Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh Wang Song, giá thành của CH-5 rẻ hơn một nửa so với đối thủ MQ-9 Reaper. MQ-9 Reaper hay còn gọi là Predator B là UAV đầu tiên trên thế giới có thể tấn công mục tiêu trên mặt đất. Đây cũng là dòng UAV đắt nhất thế giới với giá xấp xỉ 17 triệu USD.

Tuy có lợi thế về giá thành, nhưng chính các nhà phát triển Trung Quốc cũng thừa nhận UAV nội địa, điển hình là mẫu CH-5 có điểm yếu lớn so với MQ-9 Reaper. Cụ thể với trần bay từ 12.000m -15.000m, UAV Mỹ ở trên tầm bắn của hầu hết vũ khí mặt đất trong khi trần bay của CH-5 chỉ khoảng 9.000m nên rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của các hệ thống phòng không.

Thu hút cả đồng minh của Mỹ

Theo trang web của CASC, Trung Quốc đã bán các mẫu UAV dòng Rainbow cho hơn 10 quốc gia trên thế giới với số lượng sản xuất ngoài 200 chiếc mỗi năm, giúp sản phẩm này trở thành một trong những UAV quân sự phổ biến nhất hiện nay. Phiên bản CH-5 mới mà Trung Quốc tuyên bố "tiến bộ hơn nhiều so với MQ-9 Reaper của Mỹ" cũng được sản xuất phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu.

Điều này hoàn toàn trái ngược với chính sách xuất khẩu của Mỹ khi Washington lâu nay vẫn luôn giới hạn xuất khẩu các dòng UAV uy lực nhất cho các nước. Theo cựu quan chức Lầu Năm Góc Paul Scharre, chính sách của Washington đang gây tổn hại cho mối quan hệ với các đối tác kể cả đồng minh; đồng thời giúp UAV Trung Quốc giành thêm thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn hồi tháng 10 năm ngoái, hình ảnh vệ tinh cho thấy Saudi Arabia đã sử dụng phi đội UAV Wing Loong của Trung Quốc vốn bị cho là sao chép UAV Predator của Mỹ trong chiến dịch quân sự ở Yemen. Mới hồi tháng 3 này, giới chức Trung Quốc và Saudi Arabia đã chốt thỏa thuận xây nhà máy chế tạo UAV đầu tiên của Bắc Kinh ở khu vực Trung Đông.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết