08/10/2023 - 08:24

Từ nghiện ma túy đến nhiễm HIV 

Trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề Ma túy tổng hợp và nguy cơ lây truyền HIV/AIDS do Báo Sức khỏe và Ðời sống phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức vào đầu tháng 10-2023, các diễn giả chỉ ra mối liên hệ trực tiếp của việc nghiện ma túy dẫn đến nhiễm HIV. Ðồng thời, lý giải nguyên nhân giới trẻ dấn vào con đường nghiện ngập không phải chỉ vì đua đòi theo chúng bạn.

Cán bộ dân số quận Bình Thủy tích cực tuyên truyền cho học sinh trên địa bàn về sức khỏe giới tính và những hiểm họa liên quan đến HIV.

Các diễn giả của chương trình gồm Ths Ðỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS và BS Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng.

Theo các chuyên gia, những tác hại nghiêm trọng về lâu dài của ma túy ít được đề cập là sức khỏe tâm thần. Ma túy tổng hợp có tác hại nghiêm trọng cả thể chất và tâm thần đối với người nghiện. Ma túy tổng hợp gây ra những thay đổi của não bộ, dẫn tới bệnh lý nguy hiểm thường gặp nhất là trầm cảm. Nhiều trường hợp đã cai nghiện được ma túy nhưng tình trạng trầm cảm tiếp tục kéo dài dai dẳng nhiều năm sau đó, thậm chí nhiều người không vượt qua được, tiến tới tự sát.

BS Hải Oanh cho biết, tác động cấp tính của ma túy tổng hợp có thể gây loạn thần, ảo giác, kích thích quá mức dẫn tới các hành vi bạo lực. Tác hại cấp tính khác là tình trạng mất nước, trụy tim mạch, suy phủ tạng, thậm chí tử vong vì người dùng ma túy không cảm thấy đói, khát hay ngủ nghỉ trong thời gian dài. Ngay từ lần đầu tiên, người sử dụng ma túy cũng thể gặp tác hại loạn thần.

Giới trẻ sử dụng ma túy tổng hợp với quan niệm rằng, loại này không gây nghiện và không lây truyền HIV. Bác sĩ Hữu Thủy nhấn mạnh, đó là quan niệm hết sức sai lầm. Ma túy sử dụng ở liều thấp hay liều cao đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ việc làm tăng nhịp tim nhanh, huyết áp cao, kéo dài tình trạng chán ăn, đến trạng thái kích thích, hưng phấn, hoang tưởng, kích động, cảm nhận xung quanh không đúng thực tại, nghe thấy có ai đó nói xấu, truy sát mình. Những trường hợp ngáo đá, trèo cột điện là dấu hiệu ngộ độc ma túy.

Nhiều bạn trẻ tin rằng dùng ma túy tổng hợp không làm lây nhiễm HIV vì không sử dụng chung bơm kim tiêm. Theo BS Hải Oanh, thực chất nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây truyền HIV cao chính từ trạng thái kích thích hưng phấn, gia tăng nhu cầu tình dục ở người sử dụng ma túy tổng hợp. Người sử dụng ma túy mất kiểm soát hành vi, không dùng các biện pháp an toàn như bao cao su, quan hệ tình dục kéo dài, thô bạo, với nhiều người, làm tổn thương các bộ phận sinh dục gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Một hệ lụy khác, sự thay đổi về mặt tế bào của người nghiện ma túy tổng hợp khiến người đó dễ nhiễm HIV hơn. Người bệnh HIV nghiện ma túy cũng có nguy cơ kháng thuốc cao hơn người bệnh không sử dụng ma túy.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, cùng nhiễm HIV ở cùng giai đoạn và áp dụng phác đồ điều trị như nhau nhưng người sử dụng ma túy có tỷ lệ kháng thuốc cao hơn người không sử dụng. Ngoài ra, ma túy tổng hợp có thể tương tác với thuốc kháng virus, làm giảm hiệu quả điều trị với người bệnh HIV, tạo chủng kháng thuốc mới, lây truyền bệnh cho cộng đồng rất nguy hiểm. Trong thực tế, người nghiện ma túy tuân thủ rất kém phác đồ điều trị HIV.

Người trẻ nghiện ma túy do nhiều nguyên nhân. BS Hải Oanh cho rằng, cần nhìn thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc sa ngã vào con đường nghiện ngập, đó là sự cô đơn, thiếu tự tin, thiếu được quan tâm và yêu thương. Nếu bạn trẻ tự tin, lúc nào cũng cảm thấy được yêu thương đủ đầy thì khó rơi vào cạm bẫy, dù đó là ma túy hay các thú vui lêu lổng, trác táng khác. “Ðừng phán xét tiêu cực với bạn trẻ mà cố gắng nhìn đằng sau mỗi câu chuyện, giúp các bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực để thấy rằng, không cần phải sử dụng ma túy mới cảm thấy tốt hơn”, BS Oanh nhắn nhủ đến cộng đồng. Các bậc cha mẹ có con ở tuổi vị thành niên cần dự phòng từ gốc rễ, giúp các em cảm thấy được yêu thương, hạnh phúc, tự tin sẽ không rơi vào những cạm bẫy...l

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết