Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bà nội và mẹ tôi đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng, cha tôi là liệt sĩ. Từ nhỏ tôi đã nuôi ý chí trở thành bộ đội để đánh giặc, trả thù cho cha. Năm 1960, tôi tham gia cách mạng, làm liên lạc địa phương, công tác hợp pháp. Năm 1963, tôi vào địa phương quân huyện Châu Thành. Năm 1964, tôi tham gia Tiểu đoàn Tây Đô. Nói về những kỷ niệm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Lộ Vòng Cung, tôi nhớ những mẩu chuyện sau:
Tình đồng đội
Thời điểm năm 1968 tôi là y tá, Trung đội phó Trung đội Quân y của Tiểu đoàn Tây Đô. Đêm 30 Tết Mậu Thân (1968), đơn vị của tôi từ Ba Láng, Rạch Sung hành quân đến Cái Sơn- Hàng Bàng. Sáng mùng 1 Tết vẫn đóng quân tại Cái Sơn- Hàng Bàng. Chiều mùng 1 Tết thì hành quân ra cầu Rạch Ngỗng. Chiều tối đó tôi cùng tập thể được lệnh tổng tấn công đánh vào thành phố. Từ Rạch Ngỗng đi qua đường Tạ Thu Thâu, đi tắt qua hồ Xáng Thổi. Đường đi gặp bóng đèn đường sáng quá nên địch phát hiện. Anh Tám Nghĩa dùng súng bắn bể bóng đèn cho trời tối để qua được nhưng địch đã phát hiện. Ta đụng địch ở khu Đại học, thiệt hại khá nhiều. Quân y Tiểu đoàn Tây Đô đến nhà ngủ Nam Phương để cấp cứu cho khoảng 3-4 đồng chí bị thương. Sau đó nhà ngủ bị địch bắn cháy, tôi cùng tập thể lùi trở lại.
Khoảng 10 giờ sáng mùng 2 Tết thì tôi bị thương trên đường Tạ Thu Thâu, trong khi đang vừa kè, vừa chữa trị cho thương binh. Tôi bị trúng pháo, bị thương ở ngực, chân, khớp gối, thủng màng nhĩ, hư một con mắt… Sau đó tôi được đưa về Rạch Ngỗng, chỗ đóng quân của Tiểu đoàn Tây Đô. Chiều hôm đó, tôi được đưa về Đội Phẩu của Tiểu Đoàn 307 trong Lộ Vòng Cung chữa trị. 3 ngày sau thì tôi được đưa về Cà Mau tiếp tục điều trị.
Tháng 4- 1968, sau khi chữa thương xong, tôi trở lại Tiểu đoàn Tây Đô, tiếp tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tham gia Tổng tiến công đợt 2, đánh trận Bà Vèn - Ông Cửu, Ngõ Cụt, Cả Nai… Lúc này tôi cũng là y tá, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Vết thương đã lành nhưng vẫn còn đau nhức lắm, mắt thì hư mất 1 con, nhưng phải ráng, vắng anh em thì buồn, mình phải bám đơn vị. Trong đợt 2 này, có lần ta đánh đồn Nước Vận ngay cả ban ngày. Ta thắng lợi. Lúc đó tôi cũng là Quân y Tiểu đoàn Tây Đô. Mình trong Tiểu đoàn thì phải cùng nhau chung lưng đấu cật, gian khổ có nhau.
Trong Vòng Cung khó khăn lắm, chúng tôi làm nhiệm vụ là đội lót đường, tức sơ cấp cứu ban đầu cho thương binh nên khá nguy hiểm. Đoạn đường từ Vòng Cung đến Cầu Nhiếm, Ba Se có nhiều nơi cách đồn địch không xa, phải cúi thật thấp để đi vào điểm cấp cứu. Nhiều người bị thương giãy giụa, kêu la, có khi chết trên tay mình. Đơn vị của tôi là Quân y tuyến đầu.
Thường Quân y Tiểu đoàn cử qua Vòng Cung một tổ khoảng 7-8 đồng chí. Quân y Tiểu đoàn có 3 Tiểu đội, thành Trung đội Quân y, thời điểm nhiều nhất khoảng 30 đồng chí. Nữ thì có khoảng 3-4 đồng chí. Thuốc men thời đó rất thiếu thốn, chủ yếu là dùng kháng sinh, truyền nước, thuốc trị bệnh thông thường. Mình phải gầy dựng cơ sở trong quần chúng nhân dân, nhờ bà con mua chuyển về đơn vị. Người phụ trách móc nối với bà con mua thuốc là anh Hai Hồng Quân.
Tự hào là người lính Tây Đô
Lại nói về đợt Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân năm 1968, lực lượng chính chủ yếu là Tỉnh đội Cần Thơ và Thành đội Cần Thơ. Lực lượng Biệt động thành vừa là dẫn đường vừa đánh mục tiêu của họ.
Chiến trường lộ Vòng Cung ác liệt nhất, từ năm 1968 trở đi. Nhắc đến lộ Vòng Cung, phải nói công lao của Tiểu đoàn Tây Đô lớn lắm, xương máu đổ ra không biết bao nhiêu. Đó là truyền thống nối tiếp truyền thống của cha ông. Tôi tự hào là người lính, chiến sĩ của Tiểu đoàn Tây Đô, tự hào đã cùng anh em vừa phục vụ chiến đấu, vừa chiến đấu hàng trăm trận đánh lớn nhỏ.
Năm 1970, tôi đi học y sĩ, một năm sau thì phụ trách Trạm xá tỉnh. Khoảng năm 1972- 1973, tôi phụ trách Trưởng Quân y Châu Thành, đóng ở kinh Thầy Cai. Năm 1980, tôi được cử đi làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia với tư cách là Chính trị viên Đại đội Quân y tiền phương Hậu Giang. Đến năm 1982, do sức khỏe yếu nên tôi được chuyển về công tác tại Hậu Giang (cũ). 2 năm sau, năm 1984, tôi về hưu. Tôi được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tuyên dương Anh hùng LLVTND vào năm 1978.
DUY KHÔI (ghi)