14/08/2010 - 10:03

Từ đối thủ đến đối tác

Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 11 năm ngoái, công ty năng lượng First Solar có trụ sở ở bang Arizona (Mỹ) đã ký thỏa thuận sơ bộ với các đối tác Trung Quốc về việc xây dựng nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới ở vùng sa mạc Nội Mông. Thỏa thuận được ca ngợi như thành tựu chính về sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng xung quanh chuyến đi của ông Obama. Thỏa thuận còn cho thấy lần đầu tiên một công ty Mỹ có thể xâm nhập thị trường năng lượng thay thế thuộc hàng phát triển nhanh nhất châu Á. Trung Quốc chủ trương tăng hơn 60 lần công suất điện mặt trời hiện nay lên 20.000 MW vào 2020, để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, gần một năm sau, thỏa thuận của First Solar không tiến triển, khiến nhiều người hoài nghi về khả năng thực thi của nó.

First Solar ký “thỏa thuận đối tác” với thành phố Ngạc Nhĩ Đa Tư (vùng Nội Mông) hồi tháng 9-2009, để xây dựng trang trại năng lượng mặt trời công suất 2.000 MW, chia thành nhiều giai đoạn. Khi hoàn tất, nhà máy có thể cung cấp điện cho khoảng 3 triệu gia đình. Tới tháng 11-2009, Chủ tịch First Solar là Bruce Sohn và Thị trưởng Ngạc Nhĩ Đa Tư Yun Guangzhong ký riêng một thỏa thuận sơ bộ. Việc ký kết này là một phần trong cuộc gặp cấp cao giữa ông Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Mặc dù chi phí chưa thông báo, nhưng nếu tính theo một dự án tương tự ở Mỹ thì tốn ít nhất 5 tỉ USD.

Dư luận cho rằng sở dĩ thỏa thuận sơ bộ nói trên bị ách là do các công ty trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của Trung Quốc không chấp nhận việc một công ty của Mỹ dễ dàng chiếm được hợp đồng béo bở như vậy. Trung Quốc có hàng ngàn công ty sản xuất tấm pin mặt trời, trong đó có một số doanh nghiệp đã xuất sản phẩm tấm pin mặt trời sang cả Đức và Mỹ. 50 công ty năng lượng Trung Quốc đang điều hành 13 dự án điện mặt trời quy mô lớn ở nước này, với tổng công suất 280 MW. 5 công ty sản xuất điện lớn nhất Trung Quốc đều tham gia cuộc đua giành hợp đồng xây dựng các trang trại điện mặt trời mới. Vì vậy, các công ty Trung Quốc đặt vấn đề rằng làm thế nào một công ty Mỹ giành được dự án lớn mà không phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc?

Thế nên, kỳ hạn hôm 1-6 để 2 bên triển khai bước tiếp theo của thỏa thuận đã không diễn ra. Các quan chức chính quyền khu vực Nội Mông còn cho biết họ đang đàm phán với nhiều công ty và có kế hoạch mở thầu cạnh tranh công bằng dự án này.

Các chuyên gia trong ngành năng lượng mặt trời cho rằng thỏa thuận của First Solar thực ra chỉ là “vật trưng bày” cho các quan chức Trung Quốc biểu thị sự ủng hộ, về một trong những sáng kiến được gọi là hợp tác năng lượng chiến lược của ông Obama mà thôi. Còn những gì xảy ra với dự án năng lượng ở Nội Mông được xem như “chuyện cảnh giác”, về những cạm bẫy mà các công ty Mỹ phải đối mặt khi muốn xâm nhập thị trường Trung Quốc, nhất là trong những lĩnh vực có nhiều đối thủ cạnh tranh. Cũng trong khoảng thời gian First Solar ký thỏa thuận sơ bộ về dự án ở Nội Mông, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến lược thâm nhập thị trường năng lượng thay thế của Mỹ. Một tổ hợp Trung Quốc đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào trang trại năng lượng gió ở Tây Texas, với tất cả các tua-bin gió dùng ở đây được sản xuất từ Trung Quốc.

Vụ việc trên khiến giới chuyên môn trong ngành năng lượng cho là bất bình thường, bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tổ chức lễ ký kết các thỏa thuận trong chuyến thăm cấp cao, nhưng rồi nhiều hợp đồng không đi đến đâu. Cho nên, trong trường hợp của First Solar, người ta cho rằng từ đối thủ để trở thành đối tác thật sự không phải là chuyện dễ dàng.

NGUYỄN HOÀNG
(Theo Washingtonpost, Bloomberg, THX)

NGUYỄN HOÀNG (Theo Washingtonpost, Bloomberg, THX)

Chia sẻ bài viết