21/11/2020 - 22:43

Trung Quốc xây thêm tuyến đường sắt tới Tây Tạng 

Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt chiến lược, nối thị trấn Nhã An (tỉnh Tứ Xuyên) với địa khu Lâm Tri (khu tự trị Tây Tạng). Tuyến đường sắt này được cho sẽ giúp củng cố quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với Tây Tạng cũng như phục vụ mục đích quân sự của Bắc Kinh.

Tuyến đường sắt Lhasa - Lâm Tri đang được gấp rút xây dựng để hoàn thành năm 2021. Ảnh: Global Times

Tuyến đường sắt Lhasa - Lâm Tri đang được gấp rút xây dựng để hoàn thành năm 2021. Ảnh: Global Times

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, tuyến Nhã An - Lâm Tri có chiều dài 1.011km với 26 nhà ga. Khi được hoàn thành vào năm 2030, xe lửa dự kiến sẽ lưu thông với vận tốc từ 120-200km/giờ.

Kế hoạch xây dựng tuyến Nhã An - Lâm Tri được xem là ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc. Mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, tuyến đường này đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch kiểm soát Tây Tạng của Bắc Kinh. Ông Tập xem dự án là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ sự thống nhất quốc gia và là động thái mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội tại khu vực.

Thật ra, tuyến Nhã An - Lâm Tri nói trên chỉ là một phần của dự án xây dựng tuyến đường sắt nối Thành Ðô (thủ phủ của Tứ Xuyên) với Lhasa (thủ phủ Tây Tạng), vốn “ngốn” khoảng 319,8 tỉ nhân dân tệ (tương đương 47,8 tỉ USD), gồm 3 chặng, chặng Thành Ðô - Nhã An đã hoàn thành và đi vào hoạt động hồi tháng 12-2018, chặn Lhasa - Lâm Tri dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới và chặng Nhã An - Lâm Tri. Khi hoàn thành, tuyến này sẽ rút ngắn thời gian đi từ Thành Ðô đến Lhasa còn 13 tiếng, thay vì 48 tiếng như hiện tại.

Xiong Kunxin, giáo sư nghiên cứu dân tộc thiểu số tại Ðại học Tây Tạng, nhận định tuyến Tứ Xuyên - Tây Tạng có tầm quan trọng chiến lược, mang lại lợi ích cho sự phát triển của Tây Tạng. Theo ông Xiong, tuyến đường sắt này sẽ giúp cải thiện giao thông giữa khu vực Tây Tạng và phần còn lại của Trung Quốc, có thể giúp vận chuyển thiết bị và công nghệ tiên tiến từ nơi khác đến Tây Tạng cũng như đưa các sản phẩm của địa phương ra bên ngoài. Còn giới quan sát cho rằng tuyến đường sắt này sẽ giúp Tây Tạng nhanh chóng bắt kịp các khu vực phát triển khác của Trung Quốc.

Cả Tứ Xuyên và Tây Tạng đều giàu tài nguyên, dược liệu, trữ lượng khoáng sản khổng lồ cùng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Sau khi hoàn thành, tuyến Tứ Xuyên - Tây Tạng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể du lịch địa phương. “Nó cũng sẽ giúp tăng cường giao lưu giữa các vùng và các dân tộc khác nhau, thúc đẩy sự hiểu biết và hội nhập văn hóa” - ông Xiong phấn khởi nói.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng tuyến Tứ Xuyên - Tây Tạng cũng có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ sự thống nhất quốc gia và duy trì sự ổn định biên giới. “Sau khi tuyến Tứ Xuyên - Tây Tạng bắt đầu hoạt động, Tây Tạng sẽ có thể giao lưu với các vùng khác của Trung Quốc. Về mặt chiến lược, Tây Tạng sẽ giúp vận chuyển vật liệu và cung cấp hậu cần mạnh hơn” - Lin Minwang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Ðại học Phục Ðán, nhận định. Cùng quan điểm, Qian Feng, giám đốc bộ phận nghiên cứu Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Ðại học Thanh Hoa cho rằng nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra ở khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Ðộ, tuyến Tứ Xuyên - Tây Tạng cho phép quân đội Trung Quốc nhanh chóng vận chuyển một lượng lớn binh sĩ và thiết bị quân sự tới biên giới Ấn Ðộ tại bang Arunachal Pradesh.

Ðược biết, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000km2 lãnh thổ ở Arunachal Pradesh. Do đó, việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng gần khu vực biên giới tranh chấp đang khiến Ấn Ðộ lo ngại. Trung Quốc được cho đang nâng cấp 1 sân bay nằm cách Arunachal Pradesh chỉ khoảng 160km.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Ấn Ðộ đã phê duyệt 3 dự án đường sắt chiến lược nhằm gia tăng tốc độ tiếp cận Ðường kiểm soát thực tế tại Arunachal Pradesh nhưng chưa biết bao giờ tiến hành khởi công.

Ngoài tuyến đường sắt Thành Đô - Lhasa, năm 2006, tuyến đường sắt nối thành phố Cách Nhĩ Mộc thuộc tỉnh Thanh Hải tới Lhasa cũng đã hoàn thành. Từ khi Thanh Hải kết nối đường sắt với phần còn lại của Trung Quốc, tuyến Cách Nhĩ Mộc - Lhasa đã giúp Tây Tạng kết nối với mạng lưới đường sắt đồ sộ của Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, Global Times)

Chia sẻ bài viết