30/07/2023 - 07:53

Trung Quốc xây thêm căn cứ hải quân ở nước ngoài? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Báo cáo mới đây của tổ chức chuyên theo dõi viện trợ phát triển quốc tế AidData cho thấy, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể đang lên kế hoạch xây dựng một loạt căn cứ hải quân ở nước ngoài với hy vọng bảo vệ các tuyến vận tải và tăng cường khả năng chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh.

Lính hải quân Trung Quốc trong một buổi lễ thượng cờ ở căn cứ Djibouti. Ảnh: SCMP

Theo báo cáo, các cảng Hambantota (Sri Lanka), Bata (Guinea Xích đạo) và Gwadar (Pakistan) là 3 trong số 8 địa điểm mà Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thành lập căn cứ hải quân trong vòng 2-5 năm tới. Trong đó, Hambantota được coi là địa điểm khả thi nhất để PLA đặt căn cứ hải quân trong tương lai gần, bởi cảng này từng được Trung Quốc đầu tư tới 2,19 tỉ USD, nhiều hơn số tiền mà Bắc Kinh đầu tư vào bất kỳ cảng nào khác nhưng lại không tạo ra đủ nguồn thu để trả nợ, buộc Sri Lanka hồi năm 2017 đã phải cho Trung Quốc thuê dài hạn 99 năm để “khất” khoản nợ 1,1 tỉ USD. Giới phê bình ở Sri Lanka xem đây là một ví dụ của chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc.

Ngoài ra, các cảng Kribi (Cameroon), Nacala (Mozambique), Nouakchott (Mauritania) và Quốc đảo Vanuatu (Thái Bình Dương) cũng được cho lọt vào “tầm ngắm” của quân đội Trung Quốc. “Trung Quốc có chính sách đối ngoại rất tham vọng và nước này sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh vốn không được xây dựng để chỉ lảng vảng trong vùng biển của Trung Quốc. Do đó, những căn cứ hải quân ở nước ngoài nhất định sẽ được Trung Quốc xây dựng” - Alexander Wooley, một trong những tác giả của báo cáo, nhận định.

Để đi đến kết luận trên, nhóm chuyên gia của AidData đánh giá 78 bến cảng quốc tế ở 46 quốc gia mà các công ty Trung Quốc đã chi khoảng 30 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2021 để xây dựng nhằm xem liệu chúng có khả năng tiếp nhận tàu của hải quân Trung Quốc hay không. Các nhà nghiên cứu sau đó xếp hạng các cảng này dựa trên vị trí chiến lược, độ sâu, sự ổn định về mặt chính trị cũng như khả năng bỏ phiếu ủng hộ Bắc Kinh của chính phủ nước sở tại tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Báo cáo giả định rằng Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ ở nước ngoài tiếp theo bằng cách tận dụng ảnh hưởng được các khoản đầu tư trước đó gầy dựng như cách Bắc Kinh từng làm khi căn cứ quân sự ở Djibouti được xây dựng bên cạnh cảng thương mại Doraleh. Căn cứ được Bắc Kinh xây dựng hồi năm 2016 với kinh phí 590 triệu USD này là nơi đồn trú của 2.000 nhân viên, đảm trách việc ngăn chặn cướp biển nhắm vào các tàu chở hàng Trung Quốc đi trên vùng biển quanh vùng Sừng châu Phi và lối vào kênh đào Suez dẫn đến Địa Trung Hải và châu Âu. Song, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một nóng lên, Bắc Kinh buộc phải bắt kịp sức mạnh hàng hải của Washington ở nước ngoài. Nhưng không giống như Mỹ, Trung Quốc không tham gia các liên minh phòng thủ quốc tế, ngoài hiệp ước phòng thủ chính thức duy nhất của nước này với Triều Tiên. Theo giới phân tích của AidData, chính điều này làm cho kế hoạch phát triển các căn cứ hải quân ở nước ngoài trở thành ưu tiên cho sự phát triển quân sự của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất kỳ căn cứ hải quân tiềm năng ở nước ngoài nào của Trung Quốc cũng có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ phía Mỹ. Năm 2019 khi tình báo quân sự xứ cờ hoa cảnh báo rằng Trung Quốc đang cân nhắc đặt căn cứ hải quân ở Guinea Xích đạo, giới chức Mỹ khi đó đã thúc giục giới chức chính phủ quốc gia châu Phi này từ chối bất kỳ kế hoạch nào như vậy của Bắc Kinh. Lâu nay, giới hoạch định quân sự ở Washington bị ám ảnh bởi kế hoạch đặt căn cứ quân sự ở Tây Phi của hải quân Trung Quốc. Theo AidData, khoảng cách từ Senegal đến Thành phố New York chỉ là 4.000 dặm, nằm trong tầm bắn 5.000 dặm của các tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường tàng hình của Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết