03/03/2017 - 13:46

Trung Quốc với tham vọng lãnh đạo kinh tế toàn cầu

Sau những thay đổi của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong sách lược tiếp cận toàn cầu, nhiều chuyên gia phân tích đặt câu hỏi liệu đây là cơ hội để Trung Quốc nắm lấy vai trò lãnh đạo kinh tế thế giới?

Hiện Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ về kinh tế và cách Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới thể hiện rõ tham vọng của cường quốc châu Á nhằm thay thế vai trò siêu cường của Mỹ.

Một công trình xây dựng của Trung Quốc tại Kenya. Ảnh: AP

Ví dụ rõ nhất về đường lối khác biệt giữa 2 nước là khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo giới quan sát, trong khi Washington nhiều khả năng lui về chế độ bảo hộ thương mại để thực thi mục tiêu "nước Mỹ trên hết" thì Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội xác lập vai trò của Bắc Kinh không chỉ "bảo vệ toàn cầu hóa" mà còn tăng cường hợp tác với phần còn lại của thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc năm 2015 đạt mức kỷ lục 187,8 tỉ USD và tăng 52,5% so với năm 2014. Trong khi cách đó 10 năm, con số này chỉ khoảng 17,2 tỉ USD. Mặc dù vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ năm 2015 lớn hơn Trung Quốc (đạt 348,6 tỉ USD), nhưng chỉ tăng 1,5% so với năm trước.

Bên cạnh các thỏa thuận thương mại, Trung Quốc còn thúc đẩy toàn cầu hóa thông qua sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á và nhiều khu vực khác. Đây là nhiệm vụ đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm xác lập vị thế siêu cường tiếp theo của thế giới. Năm 2015, Trung Quốc khẳng định sức mạnh kinh tế bằng việc khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). AIIB với 35 quốc gia thành viên được cho sẽ cạnh tranh vai trò thống trị trong suốt nhiều thập kỷ qua của các định chế tài chính lớn của Mỹ và châu Âu. Thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York Jennifer Harris nhận định, gia tăng quyền lực trong hệ thống ngân hàng là một phần chiến lược mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc để làm giảm vị thế của Mỹ ở châu Á.

Theo cựu giám đốc WB Pieter Bottelier, Bắc Kinh ý thức rõ họ là bên hưởng lợi chính của quá trình toàn cầu hóa. Bởi nó không chỉ nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc mà còn giúp nước này giải quyết khủng hoảng dư thừa sản lượng trong các ngành công nghiệp quan trọng. Vì vậy, ông và người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á của tổ chức tư vấn Oxford Economics, Louis Kuijs nhận định, nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi triết lý kinh tế quay lưng với thương mại đa phương, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong thế giới toàn cầu hóa cũng như cơ hội định hình vị thế lớn hơn trên sân khấu chính trị thế giới.

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc trong tương lai gần chưa thể làm chủ tham vọng lãnh đạo kinh tế thế giới khi cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của chính phủ đi ngược cam kết thúc đẩy thương mại tự do. Riêng đối với an ninh khu vực, sẽ là thách thức lớn với Trung Quốc để làm giảm ảnh hưởng của Mỹ khi Bắc Kinh không những không tuân thủ luật lệ quốc tế, mà ngày càng hung hăng trong vấn đề tranh chấp lãnh hải hòng củng cố tham vọng kiểm soát Biển Đông và Biển Hoa Đông.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết