27/01/2013 - 01:30

Trung Quốc vất vả chống ô nhiễm không khí

Trong những ngày gần đây, đường phố Bắc Kinh luôn trong tình trạng đầy bụi bẩn. Ảnh: WSJ

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, vấn đề môi trường của Trung Quốc hiện được xem như là “trở ngại tiềm năng” đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Nó thu hút sự quan tâm của dư luận từ tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước đến việc gia tăng tiêu thụ các loại nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều bằng chứng cho thấy các chương trình của Trung Quốc nhằm cắt giảm lượng khí thải từ các nhà máy điện hoạt động bằng than đá đã mang đến một số thành công. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong số hàng ngàn nhà máy đang hoạt động rình rang tại Trung Quốc như các nhà máy sản xuất thép bằng nhiên liệu than hay nhà máy sản xuất khí đốt cho xe ôtô và xe tải. Các nhà phân tích nói rằng việc đưa ra mục tiêu nhằm giảm các chất ô nhiễm cụ thể không đủ sức để ngăn chặn các vấn đề rộng lớn về chất lượng không khí. “Khả năng giảm nguồn ô nhiễm từ các nhà máy điện là rất nhỏ. Nếu chính phủ không quan tâm đến vấn đề ô nhiễm công nghiệp và các nguồn ô nhiễm khác, chắc chắn tình trạng ô nhiễm tổng thể sẽ tiếp tục gia tăng” - ông Zhao Yu, chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm không khí tại Đại học Nam Kinh bày tỏ.

Việc phát hiện và xử lý các nguồn ô nhiễm đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, khi mà hồi đầu tháng này mật độ trung bình của những hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) đã gấp 70 lần so với những gì mà Mỹ xem là một tiêu chuẩn dành cho sức khỏe. Hôm 22-1, Thị trưởng Bắc Kinh Vương An Thuận đã cam kết loại bỏ 180.000 phương tiện vận tải cũ và thay thế hệ thống nồi đun bằng than tại một số hộ gia đình ở Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm giảm 2% chất gây ô nhiễm không khí trong năm nay. Về lâu dài, việc giảm mức ô nhiễm sẽ đòi hỏi rất nhiều chi phí cho việc nâng cấp các cơ sở công nghiệp, các nhà máy lọc dầu đồng thời đòi hỏi sự chung sức của các doanh nghiệp. Hai nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn Sinopec và Tập đoàn PetroChina đã ra sức bảo vệ môi trường sản xuất của họ. Sinopec đã bỏ ra hàng tỉ USD để nâng cấp các nhà máy lọc dầu, trong khi PetroChina cho biết tập đoàn này đã đạt yêu cầu chất lượng của quốc gia.

Mặc dù mối quan tâm trong những năm qua của Trung Quốc là tập trung vào các nhà máy điện và khí thải xe khách, vấn đề ô nhiễm của Bắc Kinh vẫn rất phức tạp và lan rộng trên toàn nền kinh tế. Ông Zhao thuộc Đại học Nam Kinh và cộng sự đã có cuộc nghiên cứu về hiệu quả của các chính sách của chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế lượng khí thải trong giai đoạn 2005-2010 và nhận thấy rằng chỉ số hạt PM 2,5 từ việc phát điện bằng than đá đã giảm khoảng 21%, trong khi đó chỉ số hạt PM 2,5 từ sản xuất sắt thép tăng khoảng 39%. Hiện Bắc Kinh đang đấu tranh để kiềm chế những chất gây ô nhiễm thứ cấp do các chất ô nhiễm chính hình thành như sulphur dioxide và ôxít nitơ, phát ra từ than đốt và các nguồn khác. Chính phủ đã đạt một số thành công trong nỗ lực hạn chế các chất gây ô nhiễm, nhưng các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là bước đầu trong việc nhắm mục tiêu vào vấn đề gây ô nhiễm thứ cấp bao gồm các chất nguy hại cho sức khỏe con người.

Sản xuất thép phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây ở Trung Quốc, tăng 3,1% trong năm 2012 trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiến hành đầu tư mạnh vào đường bộ, đường sắt và các cơ sở hạ tẩng khác để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Không giống như ngành điện, ngành công nghiệp thép bị phân mảnh và rất khó kiểm soát. Các nhà máy nhỏ tăng sản lượng gần 20% trong 9 tháng đầu năm 2012, trong khi những nhà máy lớn hơn chỉ giảm 2% do rớt giá. Hiện chính phủ đang tiến hành một số bước để kiềm chế lượng khí thải từ sản xuất thép. Các kế hoạch chi tiết sẽ có hiệu lực vào tháng 10-2013 nhằm cắt giảm tối đa lượng khí thải sulfur dioxide.

HOÀNG NAM (Theo Wall Street Journal)

Trong những ngày gần đây, đường phố Bắc Kinh luôn trong tình trạng đầy bụi bẩn. Ảnh: WSJ

Chia sẻ bài viết