10/11/2018 - 17:53

Trung Quốc trình làng UAV chiến đấu thế hệ mới 

Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2018 đang diễn ra tại Quảng Đông, Trung Quốc đã trình làng mẫu máy bay không người lái (UAV) chiến đấu tiên tiến thế hệ mới nhất có tên CH-7. Động thái được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực giành giật thị trường UAV hiện do Mỹ chi phối và đạt được chỗ đứng có lợi tại những khu vực bất ổn định nhất thế giới.

Mẫu CH-7 được Trung Quốc trưng bày tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2018. Ảnh: China Money Network 

Theo như giới thiệu, CH-7 được chế tạo bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASTC). Với sải cánh 22m và chiều dài 10m, mẫu UAV này có kích thước của một máy bay chiến đấu và động cơ duy nhất bên trong có thể giúp đẩy nó đi ở tốc độ của một máy bay dân dụng thương mại.

Ông Shi Wen, nhà thiết kế chính của CH-7, tiết lộ UAV này có nhiều khoang vũ khí bên trong, cho phép nó phóng nhiều loại vũ khí như tên lửa chống bức xạ, tên lửa không đối đất hoặc tên lửa chống hạm và bom điều hướng chính xác tầm xa. Nó có trọng tải cất cánh tối đa là 13.000kg, với độ cao bay tuần tra từ 10-13km, tốc độ bay tuần tra 0,5-0,6 Mach và có thể bay liên tục trong 15 giờ.

Cùng với đó là khả năng tàng hình nên CH-7 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong các điều kiện nguy hiểm - bao gồm trinh sát, giám sát, hỗ trợ chiến đấu, phóng tên lửa hoặc hướng dẫn các loại vũ khí khác. “CH-7 có thể chặn các tín hiệu điện tử radar, đồng thời phát hiện, xác minh và giám sát các mục tiêu có giá trị cao như các trạm chỉ huy của kẻ thủ, các địa điểm phóng tên lửa và tàu hải quân”- ông nói.

Ông Shi cho biết CASTC dự định bay thử nghiệm CH-7 vào năm tới và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2022. Ông nhận định, sự ra đời của CH-7 đưa Trung Quốc trở thành nước thứ hai (chỉ sau Mỹ) có khả năng sản xuất ra các UAV chiến đấu có độ bền cao, sở hữu những khả năng thâm nhập cao.

Trong khi đó, trang tin Defense One nhận xét rằng CH-7 có nhiều đặc điểm trông giống như mẫu UAV mang tên X-47B mà hãng Northrop Grumman từng phát triển cho Hải quân Mỹ, nhưng sau đó hủy bỏ dự án này vào năm 2015. “Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ khả năng của mình, ít nhất là dưới hình thức tái tạo các thiết kế UAV của Mỹ. Nhưng việc liệu hệ thống này có hoạt động như quảng cáo hay không còn là một câu chuyện khác”- Giáo sư khoa học chính trị Michael Horowitz tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhận xét.

Theo Justin Bronk- một chuyên gia xuất khẩu công nghệ UAV tại Anh, Mỹ cực kỳ thận trọng về việc bán hệ thống không người lái cao cấp của mình, nên điều này đang mở ra cơ hội cho Trung Quốc trong thị trường xuất khẩu UAV. Một phần nguyên nhân là trên khắp Trung Đông, các nước không thể mua UAV do Mỹ chế tạo (vì các quy tắc hạn chế thương vong dân sự quá mức) đang bị thu hút bởi các hãng buôn bán vũ khí Trung Quốc, vốn hiện là nhà phân phối chính về UAV vũ trang của thế giới.

Mặt khác, trong khi Mỹ vẫn nắm giữ lợi thế về công nghệ, nhưng Trung Quốc lại thắng về giá cả. Bởi các sản phẩm UAV của Mỹ thì đắt đỏ và thường đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt về việc sử dụng chúng. Theo AP, việc bán UAV đang giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trên khu vực quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ, cũng như thúc đẩy tham vọng của Bắc Kinh là dẫn đầu trong việc bán vũ khí công nghệ cao.

NGUYỆT CÁT    (Theo Economic Times, Newsweek)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trung QuốcUAV