03/12/2023 - 07:33

Trung Quốc tìm cách thay đổi hình ảnh ở Sri Lanka 

Trong bối cảnh Ấn Độ và Mỹ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Sri Lanka, Trung Quốc dường như đang áp dụng một chiến lược khác biệt, vừa tiết kiệm chi phí vừa gây được tiếng vang tốt với người dân Sri Lanka. Chiến lược mới đã làm giảm đáng kể làn sóng “bài Trung Quốc” nổ ra hồi năm 2022, thời điểm Sri Lanka chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế.

Đại sứ Thích Chấn Hoành trong một buổi phát lương khô cho người dân Sri Lanka. Ảnh: AP

Trong 18 tháng qua, Ấn Độ đã viện trợ hơn 4 tỉ USD cho Sri Lanka. Riêng tập đoàn đa quốc gia Ấn Độ Adani đầu tư gần 1 tỉ USD vào quốc đảo này. Theo tờ The Diplomat, công ty vận hành cảng Adani hồi tháng 9-2021 ký thỏa thuận trị giá 700 triệu USD với Cảng vụ Sri Lanka (SLPA) và tập đoàn John Keells Holdings để cùng phát triển Cảng Quốc tế Tây Colombo (WCT). Còn đầu năm nay, Sri Lanka phê duyệt một dự án điện gió trị giá 442 triệu USD do công ty năng lượng tái tạo Adani Green Energy phát triển.

Cách đây vài tuần, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đồng ý cấp vốn 553 triệu USD để phát triển WCT. Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Colombo hôm 7-11, Giám đốc điều hành DFC Scott Nathan cho biết, DFC đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư vào khu vực tư nhân Sri Lanka nhằm “thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế đồng thời củng cố vị trí chiến lược của các đối tác chúng tôi”. DFC còn cam kết hỗ trợ 1 tỉ USD cho Sri Lanka.

Ngược lại, khoản đầu tư nổi bật duy nhất của Trung Quốc trong giai đoạn này là khoản đầu tư trị giá 392 triệu USD của công ty xây dựng cảng China Merchants Port Holdings vào Cảng Colombo.  

Song, Bắc Kinh lại lấy được thiện cảm của người dân Sri Lanka thông qua hình thức viện trợ lương thực. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tính đến tháng 5 năm nay, khoảng 3,9 triệu người Sri Lanka phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải, trong khi hơn 10.000 hộ gia đình phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Hơn 2,9 triệu trẻ em trong số đó cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước, vệ sinh và phúc lợi xã hội.

Trong bối cảnh trên, Quỹ Phát triển Nông thôn Trung Quốc (CFRD) trong vài tuần qua đã khởi xướng Dự án Thực phẩm Nụ cười Trẻ em, cung cấp lương khô cho 10.000 học sinh tại 142 trường học trên khắp Sri Lanka. Chỉ trong 3 ngày, từ ngày 5 đến ngày 7-11, Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka Thích Chấn Hoành phụ trách phát 5.000 phần lương khô trị giá 113.000USD cho các gia đình gặp khó khăn ở các địa phương Jaffna, Vavuniya, Mullaitivu, Kilinochchi và Mannar.

Tabita Rosendel Ebbesen, nghiên cứu sinh tại Đại học Lund (Thụy Điển), cho rằng dự án nói trên không chỉ có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương mà còn có tác động tích cực đối với danh tiếng của Trung Quốc về lâu dài sau khi nhiều sáng kiến của đất nước tỉ dân, gồm “Vành đai, Con đường” bị chỉ trích nặng nề, khiến Bắc Kinh nhận ra rằng họ nên nỗ lực giảm thiểu hoặc xử lý những lời chỉ trích đó một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. “Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy các nỗ lực của nước này thông qua lăng kính từ thiện và giới chức Trung Quốc ở tất cả các cấp đã được kêu gọi thực hiện phần việc của mình” - bà Ebbesen cho hay.

Thật vậy, tác động trực tiếp của việc phân phối viện trợ lương thực của Trung Quốc đối với cuộc sống của người dân Sri Lanka là có thật. Những nỗ lực viện trợ có mục đích này dù có quy mô tài chính nhỏ hơn nhiều so với các khoản đầu tư của Mỹ và Ấn Độ vào Sri Lanka nhưng lại đóng vai trò là “cứu cánh” dành cho những người đang đối mặt với cảnh khốn cùng. Không chỉ vậy, sự thay đổi này phản ánh chiến lược ngoại giao mới của Trung Quốc cũng như nỗ lực thiết lập hình ảnh toàn cầu nhân văn hơn của Bắc Kinh.

Quỹ Phát triển Nông thôn Trung Quốc (CFRD) là một tổ chức phi chính phủ tập trung vào viện trợ nhân đạo và xóa đói giảm nghèo. Ngoài Sri Lanka, quỹ này vận hành Dự án Nụ cười Trẻ em Quốc tế tại một số quốc gia, bao gồm Ethiopia, Sudan, Nepal và Myanmar.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết