15/10/2017 - 09:32

Trung Quốc thúc đẩy thế giới tới tương lai xe điện 

Với nguồn hỗ trợ tài chính dồi dào từ chính phủ và mục tiêu thống lĩnh các công nghệ mới, Trung Quốc đã trở thành nước chế tạo và tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới. Điều đó buộc các nhà sản xuất ô tô từ Mỹ đến Nhật, từ Hàn Quốc đến Đức tăng tốc chuyển đổi nhằm tránh nguy cơ bị bỏ lại phía sau tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.

Xe hơi điện đang sạc pin tại một trạm sạc ở Bắc Kinh.

Động lực cho các nhà sản xuất ôtô thế giới

Bắc Kinh chủ trương đến năm 2025, 20% số xe bán ra ở Trung Quốc chạy bằng nhiên liệu tái tạo. Tháng rồi, nước này cũng ban hành qui định mới yêu cầu các nhà sản xuất ô tô toàn cầu bán thêm loại xe sử dụng năng lượng tái tạo nếu muốn tiếp tục kinh doanh các dòng xe hiện hành. Một quan chức Trung Quốc mới đây còn nói nước này sẽ loại bỏ động cơ đốt trong ở các dòng xe mới.

Theo New York Times, ô tô điện đang ngày càng phổ biến ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Giới cầm vô lăng ở đây hầu như chỉ biết đến xe điện. Xiong Jianghuai, một luật sư ở Thượng Hải đã mua hai xe của hãng ô tô Trung Quốc Chery, nói: “Tôi không định mua xe chạy bằng xăng, vì nghe nói chúng sẽ bị cấm bán”. Người này cho biết chi phí vận hành xe điện chưa tới 20% tiền xăng, dù giá mua ban đầu cao hơn một chút. “Tôi nghĩ tương lai nằm ở xe điện”, ông bày tỏ tin tưởng.

Trung Quốc dự kiến bán ra gần 300.000 xe điện trong năm nay, gấp 3 lần so với ở Mỹ và nhiều hơn doanh số phần còn lại của thế giới gộp lại. Tiềm lực thị trường của nước này cũng rất đáng kể. Ví dụ, người Trung Quốc mua xe General Motors nhiều hơn người Mỹ. Ngay cả với Tesla, hãng sản xuất xe hơi điện sang trọng của Mỹ, Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ hai, dù thuế nhập khẩu ô tô của nước này cao gấp 10 lần so với Mỹ. Lãnh đạo Tesla cho biết họ đang cân nhắc đặt một nhà máy ở Trung Quốc. Mới đây, các hãng General Motors và Ford cũng tiết lộ kế hoạch bổ sung thêm 33 mẫu xe điện vào các dòng xe hiện tại. Không chỉ vậy, General Motors và Volkswagen còn triển khai chương trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất xe điện đến Trung Quốc, đổi lại, chính phủ nước này yêu cầu họ chia sẻ công nghệ với các đối tác Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu ngành sản xuất xe điện?

Trên thực tế, quốc gia đông dân nhất thế giới không có nhiều lựa chọn ngoài thúc đẩy ngành xe điện phát triển. Loại phương tiện này vừa phù hợp với kế hoạch đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ, vừa giúp  giảm nỗi lo về một tương lai đen tối – nơi các thành phố bị bao trùm bởi sương mù (do ô nhiễm không khí) và lệ thuộc vào các nước xuất khẩu dầu.

Hiện Trung Quốc đang ra sức chiêu mộ các kỹ sư điện giỏi nhất thế giới, kể cả ở Mỹ. Nước này cũng có nhiều công ty nhỏ sản xuất linh kiện cần thiết để lắp ráp xe điện. Đó là những điều kiện thuận lợi để xe điện nội địa có thể cạnh tranh về hiệu quả và chi phí với những xe chạy xăng hoặc dầu diesel. Tuy nhiên, chuyển dịch sản xuất ô tô khác nhiều so với chuyển dịch những ngành nghề mà Trung Quốc từng làm được (như gia công quần áo, sản xuất thép) nhờ kết hợp nguồn lực tài chính từ chính phủ và lao động rẻ.

Theo New York Times, khả năng Trung Quốc thống trị ngành xe điện không được đảm bảo. Kỹ năng sản xuất ô tô của nước này dù tốt nhưng vẫn chưa tạo ra được mẫu xe nào phổ biến ở nước ngoài. Ngay cả ở Trung Quốc, hầu hết người mua xe vẫn thích Ford, Chevrolet và Volkswagen sản xuất bởi các công ty liên doanh. Khi nói đến xe điện, hầu hết các mẫu xe Trung Quốc đều rẻ tiền và kiểu dáng không bắt mắt bằng các mẫu mới của Tesla.

Trong khi đó, lợi ích về mặt môi trường có thể còn lâu mới nhìn thấy được. Gần 3/4 điện năng của Trung Quốc tạo ra từ than đá, nguồn phát thải khí nhà kính nhiều hơn cả điện từ dầu mỏ, do đó, xe điện của Trung Quốc vẫn gây ô nhiễm môi trường.

THANH TRÚC (Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết