Những hình ảnh vệ tinh mới nhất được công bố hôm 1-7 cho thấy Trung Quốc gần như đã hoàn thành việc xây dựng trái phép và sớm đưa vào hoạt động đường băng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Diễn biến này có thể gia tăng quan ngại của Mỹ và phản đối từ các nước láng giềng của Trung Quốc ở khu vực châu Á.
Một chỉ huy quân đội Mỹ từng dự đoán công trình đường băng trên Đá Chữ Thập có thể hoạt động cuối năm nay. Tuy nhiên, hình ảnh mới được Digital Globe chụp và Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố cho thấy đường băng hiện có chiều dài 3km đã được trải nhựa và sơn vạch với nhiều hạng mục bổ sung cũng đã định hình, cho thấy công trình này sẽ đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến.

Đá Chữ Thập nhìn từ vệ tinh và cận cảnh bãi đáp Trung Quốc xây dựng trái phép và tàu Hải quân neo đậu ở khu vực này. Ảnh: CSIS/ philstar
Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh còn chỉ rõ các công trình khác trên Đá Chữ Thập gồm 2 sân đỗ trực thăng, 10 ăng-ten liên lạc vệ tinh và một tòa tháp radar. Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn xây dựng 2 ngọn hải đăng, một nhà máy xi măng với vùng giữa là hồ nước đã được lấp cùng phần cảng có 9 cầu tàu tạm thời. Cùng với sự hiện diện của nhân viên túc trực, khu vực này còn có một tàu Hải quân Trung Quốc neo đậu.
Theo các chuyên gia an ninh, đường băng trên Đá Chữ Thập có chiều dài và độ rộng đủ để chứa máy bay vận tải quân sự hạng nặng cùng chiến đấu cơ của Trung Quốc. Đây sẽ là điều kiện để Bắc Kinh tiếp cận sâu hơn vùng trung tâm hàng hải khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác đã lên tiếng phản đối và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Hôm 29-6, truyền thông Nhật Bản còn cho biết Thủ tướng Shinzo Abe tại một cuộc họp kín tuyên bố các dự luật an ninh mới có thể cho phép Tokyo cùng tham gia với Mỹ ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây cũng có thể là nguyên nhân để Bắc Kinh tăng tốc các dự án trên Đá Chữ Thập.
Bonnie Glaser - cố vấn cao cấp CSIS cho biết các hoạt động của Trung Quốc vào những tháng tới có thể tạm lắng do bắt đầu vào mùa mưa bão và sẽ tiếp tục tăng mạnh trở lại vào mùa thu. Đây cũng là thời điểm dự kiến diễn ra chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đề cập thêm về dự thảo đầu tiên của Luật An ninh quốc gia được Quốc hội Trung Quốc thông qua hôm 1-7, bà Glaser nhận định động thái này có khả năng làm nền móng cho một Bắc Kinh tham vọng hơn, gây ra những căng thẳng mới ở Biển Đông.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian, AFP)