07/06/2021 - 08:09

Trung Quốc “lùng sục” đất hiếm khắp nơi 

Không chỉ  thúc đẩy kế hoạch phát triển năng lượng cho các quốc gia Mỹ Latinh, Trung Quốc còn chú trọng các dự án thâu tóm đất hiếm tại khu vực này trong chiến lược thống lĩnh thị trường đất hiếm vốn có vai trò quan trọng trong thời đại bùng nổ công nghệ.

Công nhân Trung Quốc làm việc tại mỏ Mirador ở Ecuador. Ảnh: Forbes

Việc Tổng Công ty Lưới điện quốc gia Trung Quốc gần đây mua lại Hãng Compania General de Electricidad (Chile) với giá 3 tỉ USD đã giúp nâng quyền kiểm soát truyền tải điện của Bắc Kinh ở Chile lên 57%. Hiện các thỏa thuận tương tự đang được Trung Quốc tiến hành ở Ecuador, Bolivia, Argentina, Honduras, Peru và Colombia, những nơi đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy thủy điện, năng lượng gió và năng lượng Mặt trời. Tuy nhiên, kế hoạch thúc đẩy năng lượng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh chỉ là bình phong để Bắc Kinh triển khai cách tiếp cận đa hướng, nhắm mục tiêu vào các chất khoáng quan trọng, đặc biệt là đất hiếm.

Mạnh tay đầu tư

Ðến nay, Trung Quốc đã đầu tư hơn 180 triệu USD khai thác niken ở Venezuela và thêm 580 triệu USD nữa vào các dịch vụ khai khoáng nói chung. Hiện các giao dịch tương tự cũng được Trung Quốc thực hiện ở Chile và Peru. Tập đoàn Nhôm quốc doanh Chinalco của Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát đối với 2 mỏ đồng Toromocho và La Bambas của Peru, cũng như một mỏ khác ở Ecuador. Ðáng chú ý, Tập đoàn Công nghiệp Ðiện TBEA của Trung Quốc cũng đã mua lại 49% cổ phần trong ngành công nghiệp lithium của Bolivia. Tương tự như đồng và niken, lithium dù không phải là đất hiếm nhưng nó vẫn là thành phần quan trọng của nhiều loại pin dành cho xe điện.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh tìm kiếm khoáng sản ở Mỹ Latinh diễn ra trong bối cảnh nước này tuyên bố độc quyền gần như toàn cầu về khai thác và tinh chế đất hiếm. Trung Quốc chiếm tới 30% lượng quặng đất hiếm khai thác trên toàn cầu, đồng thời kiểm soát khoảng 80% nguồn cung đất hiếm. Các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các nước giàu khoáng sản ở châu Phi, Trung Á và Mỹ Latinh ngày càng mạnh, cho phép họ trở thành nhà cung cấp các nguồn tài nguyên chiến lược, quan trọng đối với sự tiến bộ về công nghệ và sự phát triển kinh tế của thế giới. Ðất hiếm được ví von là tài nguyên dầu mỏ của thế kỷ 21.

Thông qua các dự án liên doanh khác nhau được triển khai từ năm 2006, các công ty Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 36 tỉ USD vào vùng châu Phi cận Sahara và không dừng lại ở con số đó. Mặt khác, Bắc Kinh cũng có những khoản đầu tư đáng kể vào khai thác coban trên khắp Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi chiếm 60% trữ lượng coban toàn cầu. Dù không được xem là đất hiếm nhưng “khoáng chất quan trọng” này là thành phần chính của các loại pin lithium-ion phổ biến. Như vậy, với các dự án tại DRC, Trung Quốc hiện kiểm soát 72% công suất tinh chế coban toàn cầu.

Đe dọa phương Tây

Tương tự như Nga, quốc gia cung cấp nguồn khí đốt tự nhiên cho châu Âu, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng nguồn cung đất hiếm như một vũ khí kinh tế. Sau khi Nhật Bản bắt giữ một ngư dân Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Ðiếu Ngư vào năm 2010, Bắc Kinh đã nhanh chóng ngừng xuất khẩu đất hiếm để phản đối, buộc Tokyo trả tự do cho ngư dân này.

Giới chuyên gia cho rằng đòn bẩy chính trị đó có thể được Trung Quốc sử dụng để chống lại Mỹ và đồng minh trong bối cảnh phương Tây không có đủ cơ sở hạ tầng cung cấp và tinh chế đất hiếm. Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển công cụ trả đũa mạnh mẽ cũng như khả năng răn đe chống lại các thế lực bên ngoài muốn cắt giảm nguồn cung từ Bắc Kinh. Thông điệp mang tính đe dọa của ông Tập châm ngòi thêm vào nỗi lo ngại của các nhà hoạch định chính sách phương Tây.

Thật vậy, các nước phương Tây đang lo ngại về việc phụ thuộc vào đất hiếm cũng như các kim loại và khoáng sản khan hiếm khác của Trung Quốc, bởi những nguyên liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất pin ôtô điện, vệ tinh, vũ khí, tuabin gió và tấm pin Mặt trời. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với chuỗi cung ứng đất hiếm đều sẽ làm tổn hại đến các ngành công nghiệp chủ chốt. Do đó, Washington mới đây tuyên bố sẽ xây dựng lại chuỗi cung ứng kim loại hiếm để giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.

TRÍ VĂN (Theo Forbes, SCMP)

 

Chia sẻ bài viết