Trong động thái nhằm thu hút các quốc gia châu Âu, Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho biết Trung Quốc đã đưa ra đề xuất bỏ quyền phủ quyết tại Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này sáng lập.
Theo thông tin do giới chức Trung Quốc cung cấp, trong các cuộc đàm phán về việc thành lập AIIB gần đây, Bắc Kinh đã trình bày quan điểm loại trừ quyền phủ quyết với các đối tác châu Âu vốn là đồng minh thân cận của Mỹ. Đề nghị này đã mang lại hiệu quả tích cực khi Anh, Pháp, Đức và Ý cùng tuyên bố sẽ trở thành thành viên sáng lập AIIB. Thậm chí, 2 đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương là Hàn Quốc và Úc cũng xem xét gia nhập. Đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch lâm thời AIIB Kim Lập Quần cho biết có ít nhất 35 quốc gia sẽ tham gia ngân hàng này vào hạn chót 31-3.

Chủ tịch lâm thời AIIB Kim Lập Quần khẳng định Trung Quốc sẽ không dựa vào
vị thế cổ đông lớn để chèn ép các thành viên khác. Ảnh: Bloomberg
Với đề xuất không quốc gia nào có quyền áp đặt đối với các quyết định tại AIIB, giới quan sát nhận định Trung Quốc dù dựa theo mô hình của phương Tây nhưng lại tạo nên sự khác biệt và trở thành thách thức trong thế giới tài chính, vốn được thống trị bởi ba định chế lớn từ sau thỏa thuận Bretton Woods năm 1944 là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bởi nhiều năm qua, Mỹ dù với chưa tới 20% phiếu bầu nhưng luôn nắm quyền phủ quyết đối với mọi quyết định của IMF - điều mà nhiều nước cho là không công bằng.
Ngoài việc từ bỏ quyền phủ quyết, Bắc Kinh cũng đang cố gắng hóa giải mối lo ngại của Mỹ và các quốc gia khác về tính minh bạch và tiêu chuẩn quốc tế trong quy cách quản lý AIIB. Phát biểu hôm 22-3, ông Kim trấn an các đối tác khi khẳng định Trung Quốc sẽ "không dựa vào vị thế cổ đông lớn của mình, không bắt nạt các thành viên khác mà cùng làm việc với họ để đạt được sự đồng thuận trong tất cả các quyết định". Hiện ông Kim đang lôi kéo các cựu quan chức WB về AIIB để giúp giải quyết vấn đề quản trị cũng như tạo thanh danh cho ngân hàng mới tại các nước phương Tây.
Theo AP, AIIB là một ví dụ cho thấy Trung Quốc ngày càng khẳng định tầm quan trọng đối với môi trường kinh doanh khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á khi Bắc Kinh đang trở thành nhà đầu tư lớn ở đây. Đây cũng được xem là cột mốc đánh dấu chiến thắng hiếm hoi của nước này trên trường quốc tế với đích nhắm là vị thế đầu tàu của Mỹ trong hệ thống kinh tế thế giới kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc.
Còn đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ, quyết định có tham gia AIIB hay không hiện được xem là cuộc trưng cầu về ảnh hưởng của Washington ở châu Á. Theo chuyên gia kinh tế Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell (Mỹ), "Trung Quốc đang chơi canh bạc dài một cách hiệu quả. Họ hoàn toàn không vội vàng bởi họ biết các nước khác sẽ cùng tham gia".
MAI QUYÊN (Theo WSJ, Forbes, AP)