09/12/2019 - 07:03

Trung Quốc “lấp” khoảng trống Mỹ tại Thái Lan 

Trung Quốc đang dần thay thế Mỹ trong vai trò đối tác quốc phòng và nhà cung cấp vũ khí chính của Thái Lan, theo các chuyên gia phân tích quân sự.

Binh sĩ Thái Lan trong cuộc tập trận Hổ mang Vàng 2019. Ảnh: Army PR Center

Năm 2003, quan hệ Mỹ-Thái đạt đỉnh cao với chuyến thăm Washington của Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin đã thuyết phục Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ George Bush đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương và công nhận Bangkok là đồng minh lớn của Mỹ bên ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Thái ngày càng đi chệch hướng, đặc biệt sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và kế tiếp vào năm 2014 dẫn đến việc Washington hạn chế quan hệ quốc phòng với Thái Lan cho đến khi quốc gia Đông Nam Á khôi phục chính phủ dân sự. Chính quyền quân sự Thái Lan đã đáp trả bằng cách mời Bắc Kinh tham gia diễn tập hỗ trợ nhân đạo trong cuộc tập trận thường niên “Hổ mang Vàng”. Trung Quốc cũng nhanh chân thay thế Mỹ cung cấp cho Bangkok 3 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do nước này sản xuất và 48 xe tăng chiến đấu với tổng trị giá 1,03 tỉ USD. Đây cũng là hợp đồng quân sự lớn nhất của Thái Lan từ trước tới nay.

Cho đến sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3-2019 khôi phục chế độ dân sự ở Thái Lan, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới vội vã tái điều chỉnh quan hệ song phương bằng chuyến thăm Bangkok của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong tháng 8. Đến tháng 9, Thái Lan nhận lô xe chiến đấu bọc thép Stryker đầu tiên trong hợp đồng 70 chiếc mua của Mỹ. Mỹ cũng đồng ý bán cho Thái Lan 8 máy bay trực thăng trinh sát tấn công hạng nhẹ AH-6i trong thương vụ trị giá 400 triệu USD, kèm theo còn có 50 tên lửa chống tăng AGM-114R Hellfire, 200 rocket tích hợp hệ thống tự dẫn đường bằng laser APKWS.

Trong chuyến thăm Thái Lan hồi tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã ký kết tuyên bố Tầm nhìn chung quốc phòng với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, qua đó tái khẳng định cam kết với một trong những đồng minh lâu đời nhất của Washington ở châu Á.

Nhưng trớ trêu thay, chưa đầy một giờ sau đó, lãnh đạo Thái Lan tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng tương tự với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, đồng thời tuyên bố hỗ trợ các chính sách quan trọng của Bắc Kinh như Sáng kiến ​“Vành đai, Con đường”. 

Theo Giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề Đông Nam Á Paul Chambers, việc Washington muốn khôi phục quan hệ phản ánh vị thế của Thái Lan trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở khu vực. Nhưng chủ trương của chính quyền Prayuth cân bằng giữa hai cường quốc đã cho thấy mức độ xâm nhập của Bắc Kinh tại một trong những quốc gia có mối liên hệ quân sự sâu sắc với Mỹ suốt nhiều thập kỷ.

Trước hết, vũ khí Mỹ vẫn là những món hàng đắt đỏ so với ngân sách quốc phòng hàng năm khoảng 7,7 tỉ USD của người Thái. Trong khi Trung Quốc có thể cung cấp hệ thống vũ khí rẻ hơn và việc bán hàng cũng không bị ràng buộc với diễn biến chính trị ở xứ Chùa Vàng. Ngoài ra, Thái Lan tuy vẫn phối hợp với Lầu Năm Góc tổ chức tập trận thường niên nhưng cũng là nước tham gia hoạt động quân sự với Trung Quốc nhiều hơn bất cứ quốc gia nào ở Đông Nam Á.

Theo người phụ trách chính sách và kế hoạch của Bộ Quốc phòng Thái Lan Raksak Rojphimphun, Bangkok chủ trương duy trì quan hệ hữu hảo và tạo sự cân bằng thay vì phải chọn đứng về phe nào. Nhưng qua những diễn biến hiện nay, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho rằng việc Mỹ giảm sự hiện diện ở châu Á chính là nguyên nhân khiến Washington ngày càng trở nên “kém tin cậy” và mất dần ảnh hưởng vào tay Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết