18/04/2024 - 21:34

Trung Quốc gặp khó ở Mỹ Latinh 

Trung Quốc đang đương đầu “cơn gió ngược” ở Mỹ Latinh khi một số dự án quan trọng của Bắc Kinh trong khu vực đối mặt với thất bại tiềm ẩn, theo Tạp chí World Politics Review.

Trạm nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc ở tỉnh Neuquen, Argentina. Ảnh: PERFIL

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Argentina Javier Milei liên tục chỉ trích Trung Quốc và ủng hộ việc xích lại gần Mỹ cùng Israel về mặt kinh tế. Nhưng từ khi nhậm chức cuối năm ngoái, ông Milei bất ngờ dịu giọng khi bị cho không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh, nhà đầu tư nước ngoài và đối tác thương mại chính của Argentina.

Theo hãng tin Bloomberg, việc ông Milei thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc là nhằm cân bằng những hỗ trợ cho nền kinh tế khi chính phủ tìm cách ổn định tình hình tài chính, giảm lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Ngay cả như vậy, nhà kinh tế học theo đường lối cánh hữu này trong khía cạnh nào đó vẫn đang đối đầu với Bắc Kinh. Ðiển hình như vụ việc liên quan trạm nghiên cứu vũ trụ do Trung Quốc đầu tư ở tỉnh Neuquen.

Cơ sở này được thúc đẩy từ thời cựu Tổng thống Cristina Fernandez (2007-2015) và hoàn thành năm 2017 trên khu đất rộng hơn 200ha. Ðây là một trong 3 trạm tạo nên Mạng lưới giám sát Không gian sâu của Trung Quốc và do một đơn vị thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) điều hành. Hợp đồng quy định Argentina có 10% quyền kiểm soát hoạt động và sử dụng một số năng lực của trạm, nhưng Trung Quốc vẫn cấm các quan chức Argentina toàn quyền tiếp cận trạm nghiên cứu. Ðiều này dẫn tới tranh cãi, rằng cơ sở có thể được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc gián điệp.

Các quan chức tình báo Mỹ lâu nay cũng bày tỏ lo ngại về khu phức hợp nói trên và nhiều lần phản ánh mối quan tâm này với Tổng thống Milei. Trong thông báo đầu tháng 4 vừa qua, Argentina cho biết đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của trạm vũ trụ mà Trung Quốc coi là “thuần túy khoa học” và xem xét thanh tra hợp đồng thành lập trạm. Theo giới quan sát, yêu cầu này cho thấy chính quyền Tổng thống Milei muốn đảm bảo các hoạt động của Trung Quốc là minh bạch và phù hợp lợi ích quốc gia. Ðây có thể được coi như “phép thử” đối với nỗ lực của ông Milei nhằm cân bằng giữa nhu cầu kinh tế khi hợp tác với Trung Quốc và lo ngại của chính phủ về cách Bắc Kinh hoạt động ở Argentina. Diễn biến đó cũng phù hợp với chủ trương của Mỹ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn thông qua những mối đe dọa về chủ quyền để ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh.

Hiện tại, Trung Quốc còn “đau đầu” với dự án siêu cảng nước sâu trị giá 3,6 tỉ USD ở Peru. Ðược biết, khu phức hợp Chancay sở hữu 60% bởi công ty nhà nước Trung Quốc COSCO và 40% thuộc công ty khai thác mỏ Volcan của Peru. Theo COSCO, cảng nước sâu khổng lồ này sẽ chuyển đổi khả năng kết nối của Peru với thị trường toàn cầu, tăng cường các tuyến thương mại giữa Nam Mỹ và châu Á. Công ty hy vọng giai đoạn đầu tiên của siêu cảng, vốn đóng vai trò là đầu cầu kinh tế của Trung Quốc ở Mỹ Latinh và là một phần trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Nhưng tháng 3 vừa qua, Chính phủ Peru đã thay đổi thỏa thuận ban đầu khi bãi bỏ quyền kiểm soát độc quyền của COSCO đối với Cảng Chancay. Ðộng thái này phản ánh lo ngại gia tăng ở Lima về mức độ kiểm soát và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước. Trước đó, Mỹ đã bày tỏ quan ngại với Peru về nguy cơ đầu tư của Trung Quốc ở Cảng Chancay có thể bao gồm tiềm năng quân sự, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Theo giới quan sát, Trung Quốc nhìn chung đã tạo dựng được vị thế ở Mỹ Latinh thông qua các thỏa thuận ngoại giao và thương mại suốt 20 năm qua. Trong đó, 2 dự án ở Argentina và Peru đại diện cho những nỗ lực lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực. Vì vậy, có thể nói cách Bắc Kinh phản ứng trước những trở ngại mới sẽ định hình mối quan hệ tương lai của họ với nơi từng được ví như “sân sau” của Mỹ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết