HẠNH NGUYÊN (Theo DW)
Các quốc gia châu Âu đang chấm dứt chương trình cấp thị thực cho người nước ngoài mua bất động sản hoặc các khoản đầu tư khác, do lo ngại tham nhũng và an ninh. Trong khi đó, Trung Ðông lại bắt đầu triển khai cái gọi là “công nghiệp quốc tịch”.

Người nước ngoài có thể sở hữu quốc tịch Ai Cập bằng cách đầu tư 300.000USD vào quốc gia này, chẳng hạn như mua bất động sản.
Sau khi tìm hiểu trên mạng, Hiba Ahmad, nhà báo người Iraq, quyết định mua một căn hộ nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ với giá khoảng 40.000USD. Tuy tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại vào năm 2017 tại Iraq, bà Ahmad vẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã siết chặt những quy định về cư trú, Ahmad vẫn có thể làm thế bởi bà có căn hộ tại quốc gia Trung Ðông. Ðiều này cho phép Ahmad đều đặn gia hạn thị thực có thời hạn 2 năm. Nếu không đầu tư vào bất động sản, Ahmad chỉ có được thị thực du lịch trong 1 tháng. Cuối cùng, nếu muốn, bà thậm chí có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ hội vàng để nhập cư
Thị thực Thổ Nhĩ Kỳ của Ahmad chỉ là một trong nhiều ví dụ về chương trình đầu tư để được cấp quyền cư trú (RBI) có chi phí hợp lý, thường được biết với tên gọi chương trình “thị thực vàng”. Ngoài ra còn có chương trình đầu tư để sở hữu quốc tịch, tức “hộ chiếu vàng”, nhưng cơ chế này thường đòi hỏi tiền bạc, giấy tờ và thời gian nhiều hơn.
Canada, Mỹ, Ireland và nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) khác đều có những chương trình thị thực hoặc hộ chiếu vàng. Tuy nhiên, tại Trung Ðông ý tưởng này chỉ mới phổ biến trong khoảng 5 năm qua.
Hồi đầu tháng 3, Ai Cập đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài trở thành công dân nước này thông qua đầu tư. Kể từ năm 2020, Ai Cập đã áp dụng chương trình đầu tư để có quốc tịch (CBI), song do những khó khăn về kinh tế và cần nguồn đầu tư quốc tế và ngoại tệ nhiều hơn, quốc gia Bắc Phi này tiếp tục nới lỏng các quy định trong năm nay. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã triển khai chương trình “thị thực vàng” kể từ năm 2019 nhưng đến năm 2022 thì sửa đổi một số điều kiện, nhằm giúp chương trình dễ tiếp cận và có chi phí thấp hơn.
Chương trình CBI của Jordan có hiệu lực từ năm 2018 và đến 2020, Qatar bắt đầu cung cấp thời gian cư trú dài hạn hơn để đổi lại quyền sở hữu bất động sản. Bahrain tung ra chương trình “cư trú thị thực vàng” từ năm ngoái và áp dụng “giấy phép vàng” cho những khoản đầu tư quy mô lớn trong tháng này. Saudi Arabia thì công bố chương trình “ưu đãi cư trú” trong năm 2023.
Phần lớn những nhà đầu tư nhập cư là người giàu với khối tài sản từ 2-10 triệu USD. Các nhà đầu tư đến từ Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Qatar, Bahrain, Lebanon, Syria và Iran là những khách hàng tích cực nhất của các chương trình CBI và RBI.
Ði ngược lại với châu Âu
“Xu hướng tại Trung Ðông là sự đảo ngược của những gì chúng ta đang chứng kiến ở châu Âu”, Jelena Dzankic, Giáo sư tại Viện Ðại học châu Âu (Ý), đề cập đến việc những quốc gia lục địa già như Bồ Ðào Nha, Hy Lạp, Síp đang từ bỏ các chương trình cư trú và hộ chiếu vàng. Dzankic giải thích rằng châu Âu hiện không ngừng loại bỏ cấp quốc tịch và quyền cư trú thông qua đầu tư do những bê bối liên quan đến chương trình cùng những rủi ro đi kèm.
Phe chỉ trích thường mô tả những chương trình trên là hành động của các quốc gia bán quốc tịch cho người trả giá cao nhất, với lập luận rằng chúng mở cửa đất nước cho những vấn đề an ninh tiềm tàng, lạm phát giá bất động sản và nguy cơ tham nhũng, rửa tiền. Sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine, EU đã thúc giục tất cả các nước thành viên hủy chương trình cư trú và hộ chiếu vàng, vì sợ rằng chúng sẽ tiếp tay cho những đối tượng né tránh lệnh trừng phạt. Cuối năm ngoái, EU đã ngừng cho phép các công dân Vanuatu được miễn thị thực khi nhập cảnh vào châu lục do những lo ngại về chương trình CBI quản lý lỏng lẻo tại đảo quốc Thái Bình Dương này.
Nói như chuyên gia Dzankic, khi thị trường châu Âu không thể tiếp cận được, mọi người bắt đầu xem xét những lựa chọn khả thi khác.
Chưa rõ những chương trình tại Trung Ðông có thành công hơn những phiên bản trước đó hay không, theo các chuyên gia. David Regueiro, đại diện khu vực của Hội đồng Ðầu tư di trú, tin rằng sẽ có thêm nhiều chương trình mới xuất hiện tại Trung Ðông, nhưng ông cũng lưu ý “một xu hướng khác có thể thấy là sự gia tăng mức độ kiểm tra đối với các chương trình hiện hành”. Trong khi các nước EU chịu sự quản lý của các quốc gia thành viên, thì ở Trung Ðông không tồn tại hình thức giám sát tương tự.