16/08/2009 - 20:53

Sóc Trăng

Trồng khoai lang, rau màu xuất khẩu đạt hiệu quả cao

Thu hoạch khoai lang Nhật ở Sóc Trăng.

Hiện nay, nhiều xã viên của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thiều Văn Chỏi (xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch sắp xong khoai lang Nhật. Phó Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thanh Hưng, khoe: “Mới trồng khoai lang xuất khẩu vụ đầu tiên mà đã thắng lợi nên ai thấy cũng mê. Tính ra mỗi công khoai lời bình quân 3 - 4 triệu đồng, cá biệt có hộ lời đến 6 triệu đồng/công”.

Thay vì làm lúa xuân hè như mọi năm, năm nay HTX vận động xã viên và ký kết hợp đồng với nhà máy An San (thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta – Fimex Sóc Trăng) trồng 40 ha khoai lang Nhật. Tuy chỉ mới trồng lần đầu, nhưng nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt 2 - 3,5 tấn/công và giá bán bình quân 3.000 – 3.200 đồng/kg. Anh Hưng nhẩm tính: “Với 40 ha khoai lang Nhật năm nay, HTX thu về khoảng trên dưới 3 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lời hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra, còn tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương”.

Xã viên Lê Văn Thứ, người trồng khoai lang Nhật trúng nhất của HTX Thiều Văn Chỏi, cho biết: “Vụ hè thu này tôi không trồng lúa mà làm tiếp một vụ khoai lang Nhật nữa được gần 2 tháng rồi. Tính ra, trồng khoai lang Nhật này hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa, nên tới đây tôi sẽ chuyển sang làm 2 vụ khoai + 1 vụ lúa”. Ở vụ xuân hè vừa rồi anh Thứ chỉ thuê được 2,5 công đất để trồng khoai lang Nhật, thu hoạch được 7,1 tấn, còn tính luôn số khoai anh chừa lại thì trên 7,5 tấn. Anh Thứ kể: “Loại khoai này cũng dễ trồng chứ không khó như mình nghĩ. Vụ rồi xuống giống khoai bị trễ nên năng suất không cao lắm, chứ nếu để đúng thời gian có thể đạt 4 tấn/công. Vụ này, tôi trồng lại 8 công đất hy vọng hiệu quả sẽ cao hơn”. Anh Thứ cho biết thêm, tính chung hết chi phí từ hom giống cho đến phân bón, công chăm sóc, thu hoạch mỗi công khoảng 4 triệu đồng, nên chỉ cần đạt năng suất 2,5 tấn/công và giá bán 3.000 đồng/kg thì cũng lời được 3 triệu đồng/công. Phó Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thanh Hưng. cho biết: “Chỉ tính riêng ở vụ hè thu này HTX có 30ha trồng khoai lang Nhật. Nếu tiếp tục thành công như vụ vừa rồi, sang năm chúng tôi chỉ giữ lại 1 vụ lúa đông -xuân, còn vụ xuân hè và hè thu sẽ trồng khoai lang Nhật”.

Theo ông Phạm Văn Tân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, sau khi thành công ở vụ khoai lang Nhật đầu tiên, đến vụ hè thu này, diện tích khoai lang Nhật của huyện tiếp tục được 54ha. Sự thành công của cây khoai lang Nhật nơi vùng trũng Ba Trinh có một ý nghĩa rất lớn trong việc đưa cây màu xuống chân ruộng nhằm phá thế độc canh cây lúa. Hiện nay, huyện Kế Sách đang quy hoạch để có hướng đầu tư hệ thống thủy lợi, đê bao đảm bảo cho việc sản xuất có hiệu quả hơn.

Ngoài khoai lang Nhật, nông dân Sóc Trăng còn đầu tư trồng cây đậu bắp và cà tím để xuất khẩu. Anh Trần Thương, ở ấp Đại Nôn-xã Long Phú, huyện Long Phú, khoe: “Vụ đậu bắp Nhật đầu tiên tôi trồng 4 công theo hợp đồng bao tiêu với nhà máy An San, lời tới 25 triệu đồng, tính ra cao hơn rất nhiều so với những cây màu khác. Vụ đậu bắp và cà tím này đang cho trái và khả năng lời sẽ cao hơn nhiều vì chi phí đầu tư ít do giá phân bón đã giảm mạnh. Với năng suất bình quân 2,5-3 tấn/công, cùng với giá bao tiêu ở mức 4.500 - 12.000 đồng/kg (tùy kích cỡ) mỗi công trồng đậu bắp Nhật sau khi trừ chi phí (khoảng 3 - 3,5 triệu đồng) có thể lời 6 - 10 triệu đồng”.

Hiện nay, 10ha đậu bắp Nhật của 16 hộ ký hợp đồng với nhà máy An San đang vào mùa thu hoạch. Những nông dân trồng đậu bắp Nhật cho biết, sau 45 ngày, đậu bắp Nhật đã cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài trong 3 tháng, nên nông dân có thu nhập thường xuyên và giải quyết được việc làm thêm cho số lao động nông nhàn trong địa phương.

Tuy nhiên, cả nông dân và nhà máy vẫn còn không ít băn khoăn trong việc đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Ông Hưng bày tỏ: “Trồng khoai lang Nhật chi phí khoảng 4 triệu đồng/công, nhà máy đầu tư 500.000 đồng, còn lại nông dân phải đi vay ngân hàng. Tuy nhiên, dù đã có hợp đồng bao tiêu với nhà máy nhưng ngân hàng vẫn không cho vay theo đúng loại cây trồng mà cho vay theo đất lúa nên rất khó mở rộng diện tích vì đa số nông dân đều thiếu vốn”. Theo lãnh đạo nhà máy An San, diện tích trồng khoai lang Nhật, đậu bắp, cà tím... tập trung chưa nhiều nên rất khó để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng đồng nhất. Vì vậy, cần quy hoạch lại vùng sản xuất và tổ chức lại sản xuất theo mô hình HTX hay câu lạc bộ mới có thể đảm bảo được vùng nguyên liệu ổn định. Đây là một yêu cầu chính đáng, phù hợp với thực tế sản xuất, cũng như thực hiện chủ trương liên kết 4 nhà theo Quyết định 80 của Chính phủ.

XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết