Bảo vệ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân gây tranh cãi, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh) khẳng định Mỹ mới là “nguyên nhân gốc rễ” dẫn tới bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

Ảnh: AP
Phát biểu trong buổi lễ khai mạc triển lãm quốc phòng hôm 11-10, ông Kim đổ lỗi cho “chính sách thù địch” của Mỹ tiếp tục tạo ra căng thẳng trong khu vực thông qua “phán đoán và hành động sai lầm”. Ông còn bày tỏ nghi ngờ đối với tuyên bố của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc Washington không tìm kiếm đối đầu. Theo lãnh đạo Triều Tiên, Nhà Trắng luôn tuyên truyền họ không thù địch đối với Bình Nhưỡng nhưng lại không có hành động nào chứng minh cho điều này.
Tuyên bố trên được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi quốc gia Đông Bắc Á cho biết họ đã thành công phóng thử tên lửa siêu thanh mới. Hôm 11-10, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song nói rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe trong bối cảnh hoạt động quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc tiến tới “mức độ nguy hiểm”. Tái khẳng định quan điểm này, lãnh đạo Triều Tiên tại buổi triển lãm cam kết tiếp tục xây dựng lực lượng quân đội “bất khả chiến bại” để đối phó “thế lực thù địch”; củng cố tiềm lực quốc gia trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.
Xác định chương trình vũ khí mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi là cần thiết, ông Kim mặt khác nêu rõ mục tiêu không nhằm kích động chiến tranh với Mỹ hay Hàn Quốc. Ngược lại, vị lãnh đạo này cáo buộc “nỗ lực nguy hiểm” tăng cường quân sự ở Hàn Quốc đang phá hủy cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên và gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm. Theo ông, Seoul đang cho thấy bản chất “đạo đức giả” khi công kích chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, nhưng chính họ cũng chi hàng tỉ USD cho quốc phòng.
Năm ngoái, Mỹ đã chuyển giao 24 máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến F-35A cho đồng minh nhằm tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa bên ngoài. Đầu năm nay, Washington tiếp tục dỡ bỏ quy định cấm Hàn Quốc phát triển hoặc sở hữu tên lửa đạn đạo có tầm bắn tối đa hơn 800km. Cùng thời điểm Triều Tiên phóng tên lửa, Hàn Quốc hồi tháng 9 cũng thành công phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), đưa nước này vào nhóm các quốc gia sở hữu công nghệ SLBM cùng với Anh, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc. Trong thời gian này, Seoul cho công bố bước đột phá mới trong phát triển công nghệ tàng hình cho máy bay không người lái cũng như kế hoạch chế tạo vũ khí lớn như tàu sân bay.
Mỹ - Hàn thảo luận tuyên bố kết thúc chiến tranh
Trong diễn biến liên quan, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon dự kiến thảo luận với người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan về đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đối với tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trong cuộc gặp vào hôm nay 13-10.
Mỹ và Hàn Quốc gần đây tăng cường liên lạc để nối lại quan hệ với Triều Tiên thông qua các chương trình nhân đạo cùng những biện pháp khuyến khích khác. Trong nỗ lực tháo gỡ tiến trình phi hạt nhân hóa đang bế tắc, Nhà Trắng đã nhiều lần cho biết họ sẵn sàng gặp Bình Nhưỡng “ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào và không kèm điều kiện tiên quyết”. Nhưng đến nay, Triều Tiên vẫn không quan tâm một khi Mỹ còn áp dụng chính sách trừng phạt và tiến hành hoạt động quân sự ở Hàn Quốc. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng việc ông Kim duy trì lệnh tạm hoãn năm 2018 đối với các vụ phóng tên lửa tầm xa nhắm hướng lục địa Mỹ cho thấy Bình Nhưỡng vẫn muốn giữ cơ hội đàm phán trong tương lai.
MAI QUYÊN (Theo AP, Yonhap)