Căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau khi CHDCND Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản trước khi rơi xuống ngoài khơi phía Bắc Hokkaido vào rạng sáng 29-8.
Các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa Triều Tiên phóng đi có thể là vũ khí tầm trung Hwasong-12 mới mà Bình Nhưỡng gần đây đe dọa dùng tấn công đảo Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Theo thông tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), tên lửa được phóng từ khu vực Sunan gần Thủ đô Bình Nhưỡng trước 6 giờ sáng (giờ địa phương) và bay trong 15 phút với tầm bắn 2.700km, đạt độ cao 550km trước khi vỡ thành 3 mảnh và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương. Tại cuộc họp báo khẩn cấp, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết khu vực rơi của tên lửa Triều Tiên cách mũi Erimo trên đảo Hokkaido 1.180km về phía Đông.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản ở ngoại ô Tokyo. Ảnh: Reuters
Khi tên lửa bay tới Nhật Bản, tín hiệu cảnh báo người dân được phát đi khắp miền Bắc nước này. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không được lệnh bắn hạ tên lửa Triền Tiên dù hệ thống phòng thủ tối tân Patriot PAC-3 tại căn cứ quân sự Mỹ ở Thủ đô Tokyo đã được triển khai như một phần trong cuộc tập trận trước đó.
Trong động thái trấn an, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ đang làm hết sức để bảo vệ tính mạng của người dân. Ông Abe xác định việc Triều Tiên phóng tên lửa qua lục địa Nhật Bản là “hành động liều lĩnh, vi phạm rõ ràng các nghị quyết Liên Hiệp Quốc và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có”. Giới phân tích cũng cùng quan điểm khi cho biết tên lửa Triều Tiên ngay cả không nằm trong dự liệu nhưng nếu rơi trên lãnh thổ Nhật Bản cũng sẽ bị coi là tấn công nước này. Sau vụ việc, lãnh đạo Nhật đã có cuộc điện đàm gần 40 phút với Tổng thống Mỹ Donald Trump và hai bên nhất trí gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ nhóm họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ - Nhật.
Còn tại Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao nước này trong tuyên bố hôm 29-8 khẳng định Seoul “sẽ đáp trả mạnh mẽ” nếu Triều Tiên tiếp tục “những hành vi khiêu khích bằng hạt nhân và tên lửa”. Theo hãng thông tấn Yonhap, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) cũng đã được triệu tập. Cùng ngày, giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này đã tiến hành tập trận ném bom thật gần biên giới liên Triều nhằm kiểm tra khả năng đáp trả trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, Yonhap dẫn nguồn tin từ Nhà Xanh tiết lộ quân đội Mỹ đang cân nhắc triển khai vũ khí chiến lược đến bán đảo Triều Tiên.
Trước diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, thị trường toàn cầu phản ứng với việc giới đầu tư bán tháo cổ phiếu và tích trữ tài sản an toàn như vàng, đồng franc Thụy Sĩ và đồng yen Nhật Bản.
Mai Quyên
Động thái bất thường
Theo Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury (Mỹ), động thái phóng tên lửa của Triều Tiên hôm qua là “hết sức bất thường”. Bởi gần đây, Bình Nhưỡng tuy tiến hành hàng loạt thử nghiệm nhưng rất hiếm phóng tên lửa bay qua không phận quốc gia đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực. Trước đó, Triều Tiên cũng từng phóng tên lửa bay qua không phận Nhật Bản vào năm 1998 và 2009, nhưng cả hai lần Bình Nhưỡng đều khẳng định cái họ phóng đi là vệ tinh chứ không phải tên lửa đạn đạo.