20/01/2022 - 22:12

Triều Tiên dọa nối lại chương trình vũ khí gây tranh cãi 

Sau thời gian im lặng trước các đề nghị đối thoại từ Mỹ, CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị tái khởi động “tất cả các hoạt động đã tạm ngừng”, củng cố năng lực cho “cuộc đối đầu lâu dài” với Washington.

Thông tin trên được đưa ra sau cuộc họp mới đây của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Cuộc họp dưới sự chủ trì của nhà lãnh đạo Kim Jong-un (ảnh) đã thảo luận và quyết định các công việc trước mắt cùng những vấn đề chính sách quan trọng, bao gồm việc phân công lại các nhiệm vụ quốc phòng nhằm đối phó “chính sách thù địch” cũng như “mối đe dọa quân sự” của Mỹ mà Bình Nhưỡng xác định đã đạt tới “giới hạn nguy hiểm” không thể coi thường.

Dẫn tuyên bố của cuộc họp, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác định Washington kể từ sau thượng đỉnh Mỹ - Triều cách đây 3 năm đã có hàng loạt hành động đe dọa an ninh nghiêm trọng, bao gồm việc tổ chức hàng trăm cuộc tập trận chung, triển khai các phương tiện tấn công cực kỳ hiện đại đến Hàn Quốc cũng như đưa vũ khí hạt nhân chiến lược vào khu vực xung quanh bán đảo Triều Tiên. Cáo buộc chính quyền Mỹ hiện nay tiếp tục các hoạt động “tước quyền tự vệ” của Triều Tiên, KCNA cho biết Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên nhất trí cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho “cuộc đối đầu lâu dài với đế quốc Mỹ” để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.

Trong các biện pháp tăng cường, KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ thị khẩn trương kiểm tra vấn đề khởi động lại tất cả các hoạt động tạm ngừng. Theo giới chuyên môn, có thể Triều Tiên đang ám chỉ nối lại chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các vụ thử hạt nhân gây tranh cãi.

Ðược biết, Bình Nhưỡng đã đình chỉ mọi hoạt động kể trên từ thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Ðiếm năm 2018 đến thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 2-2019. Sau khi cuộc đàm phán với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sụp đổ, quốc gia Ðông Bắc Á tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân, nhưng không có động thái nào vượt quá giới hạn. Các vụ phóng thử tên lửa gần đây cũng không có thông tin gì về ICBM. Sự kiện gần nhất liên quan là đợt duyệt binh hồi tháng 10-2020, khi đó Triều Tiên đã giới thiệu tên lửa ICBM mới Hwasong-17.

Mỹ nghiêm túc về chương trình tên lửa “cải tiến” của Triều Tiên

Cuộc họp ở Triều Tiên diễn ra sau khi nước này tiến hành 4 vụ thử tên lửa trong tháng 1, dẫn tới các biện pháp trừng phạt mới từ Mỹ. Washington cũng đang dẫn đầu một chiến dịch trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để mở rộng các biện pháp chế tài. Trong phát biểu hồi đầu tuần, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Mỹ đang đánh giá bản chất các vụ phóng tên lửa gần đây để tìm hiểu rõ năng lực của Triều Tiên. Quan chức này khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden rất nghiêm túc trước các mối đe dọa phát sinh từ chương trình tên lửa của quốc gia Ðông Bắc Á đối với lục địa Mỹ cùng các đồng minh, đối tác trong khu vực.

Theo Giáo sư Yang Moo-jin, một chuyên gia về Triều Tiên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên dường như đang trên đà quay trở lại vòng luẩn quẩn của các hành động khiêu khích và trừng phạt, giống như năm 2017. Trong những tháng tới, một số chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng có thể tăng thêm áp lực lên Mỹ bằng nhiều vụ thử vũ khí hơn nữa, nhưng tiến độ và tính chất sẽ còn tùy vào phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Về phía Washington, giới quan sát cho rằng vấn đề Triều Tiên có thể đã giảm mức độ ưu tiên trong nghị trình ngoại giao của Mỹ khi Nhà Trắng đang tập trung xử lý vấn đề địa chính trị cấp bách hiện nay là nguy cơ Nga tạo thế gọng kìm để can thiệp vào Ukraine. Nhưng động thái mới từ Bình Nhưỡng có thể thu hút chú ý từ Washington, đặc biệt trước cuộc bầu cử giữa kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay, Tổng thống Biden có thể muốn đạt được một số tiến bộ rõ ràng trong các chính sách đối ngoại lớn.

Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại

Ngày 20-1, Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh đối thoại và ngoại giao là cách thức duy nhất để xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Trong một tuyên bố, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ các động thái mới nhất của Triều Tiên và chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình hình có thể xấu đi, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước khác để duy trì tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trong tầm kiểm soát ổn định. Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng đối thoại và ngoại giao là giải pháp duy nhất để hướng tới tương lai hòa bình”.

MAI QUYÊN (Theo AFP, Yonhap)

Chia sẻ bài viết