17/09/2021 - 08:34

Tranh quyền trong nội bộ Taliban 

Theo các nguồn thạo tin, xung đột giữa những người theo chủ nghĩa thực dụng và bảo thủ trong giới lãnh đạo Taliban đã gia tăng kể từ khi lực lượng Hồi giáo này thành lập chính phủ lâm thời ở Afghanistan, gồm hầu hết những nhân vật có quan điểm cứng rắn.

Ông Baradar ban đầu được cho là Thủ tướng lâm thời, nhưng cuối cùng trở thành Phó Thủ tướng. Ảnh: AFP

Mâu thuẫn giữa hai nhóm xảy ra ở hậu trường, nhưng những đồn đoán về một cuộc đối đầu bạo lực hồi tuần rồi tại dinh tổng thống đã bắt đầu lan truyền nhanh chóng. Hãng tin BBC dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ quyền Phó Thủ tướng Abdul Ghani Baradar (đồng sáng lập Taliban) và Khalil ur-Rahman Haqqani, quyền Bộ trưởng phụ trách vấn đề tị nạn và là người của mạng lưới Haqqani (nhánh vũ trang quan trọng của Taliban, bị Mỹ xem là khủng bố), đã tranh cãi gay gắt, trong lúc những người ủng hộ hai ông ẩu đả gần đó. Phía Baradar cho rằng những nỗ lực ngoại giao nhằm tiếp quản Afghanistan, như cách ông thực hiện, hiệu quả hơn sử dụng vũ lực. Phe của ông Haqqani không đồng tình quan điểm này. Thậm chí, có tin nói ông Baradar đã thiệt mạng.

Trước tình hình trên, quyền Phó Thủ tướng Baradar đã phải lên tiếng bác bỏ các tin đồn trong đoạn băng ghi âm công bố ngày 13-9. Hai ngày sau, ông tiếp tục xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình quốc gia Afghanistan và khẳng định: “Những tin đồn hoàn toàn sai sự thật. Tôi vẫn khỏe mạnh”.

Tuy nhiên, ông Baradar đã vắng mặt trong những sự kiện quan trọng gần đây, chẳng hạn như không xuất hiện tại dinh tổng thống để tiếp đón Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammad bin Abdur Rahman Al-Thani. Ðây là sự vắng mặt bất ngờ bởi Qatar đã đón tiếp Baradar trong nhiều năm khi ông là lãnh đạo văn phòng chính trị của Taliban ở thủ đô Doha.

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy phe cứng rắn đang thắng thế là cờ nền trắng chữ đen của Taliban đã lần đầu tiên được giương lên trong dinh tổng thống hôm 11-9, thay thế quốc kỳ Afghanistan.

Muốn tái áp đặt luật Hồi giáo hà khắc

Ông Baradar muốn đưa người từ các cộng đồng thiểu số vào chính phủ, trong khi Haqqani không muốn chia sẻ quyền lực với bất cứ ai. Ngay sau khi tiếp quản Kabul, ông Baradar là quan chức cấp cao đầu tiên của Taliban cân nhắc khả năng thành lập một chính phủ bao trùm. Tuy nhiên, hy vọng này tan biến khi chính phủ gồm toàn nam giới và là người của Taliban lộ diện. Nội các mới cũng nghiêng về cách họ cai trị hà khắc ở Afghanistan hồi cuối thập niên 1990 hơn là những cam kết gần đây về sự thay đổi.

Giai đoạn 1996-2001, Taliban đã dùng bạo lực để thiết lập một xã hội tuân thủ cách diễn giải hà khắc nhất của luật Hồi giáo Sharia. Trong “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” do lực lượng này điều hành, không có chỗ cho những giá trị bị xem là ngoại lai. Bóng đá bị cấm, sân vận động trở thành nơi tổ chức những buổi tử hình công khai bằng cách ném đá. Chính quyền cấm tuyệt đối truyền hình, âm nhạc và phim ảnh. Nam giới không cầu nguyện đủ 5 lần/ngày hoặc không để râu như truyền thống bị phạt đánh roi thị chúng. Phụ nữ bị cấm đi làm, đi học, bắt buộc mang khăn choàng màu đen trùm kín mặt. Họ không được ra đường nếu không có đàn ông trong gia đình đi cùng.

Khi đó, chỉ có 4 nước chính thức công nhận chính quyền Taliban gồm Pakistan, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Turkmenistan.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết