Ngày 1-9, các nhà lãnh đạo từ 60 nước đã tập trung tại Paris (Pháp) để tham dự hội nghị về tương lai Libye, tìm giải pháp để đảm bảo rằng cuộc chiến ở quốc gia Bắc Phi có thể kết thúc bằng sự chuyển giao chính trị, tránh được những sai lầm như ở Iraq.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đồng chủ trì hội nghị “Những người bạn của Libye”, diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 42 năm nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi lên nắm quyền. Hội nghị được những người tổ chức xem là sự kiện đánh dấu “thời tái sinh” của đất nước Libye và là cơ hội để giục các nước giải phóng tài sản bị phong tỏa của Libye.
 |
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron, đồng chủ trì hội nghị “Những người bạn của Libye”. Ảnh: Getty |
Trước đó, ngày 29-8, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với 6 hải cảng, 3 công ty dầu mỏ của Libye và 22 tổ chức kinh tế khác của nước này. Hôm 31-8, EU cũng đã đạt được thỏa thuận sơ bộ trong một nỗ lực giúp Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) của lực lượng nổi dậy ở Libye nối lại các hoạt động kinh tế bình thường. Các nhà ngoại giao hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng nhằm sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Hãng thông tấn ANSA của Ý ngày 31-8 dẫn lời Ngoại trưởng Franco Frattini cho biết nước này đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa 722 triệu USD tài sản của Libye cho “ban lãnh đạo mới” của quốc gia Bắc Phi này. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới đây cũng đã cho phép Luân Đôn giải phóng 1,6 tỉ USD tài sản của chế độ Gadhafi bị phong tỏa tại Anh, nhằm phục vụ cho hoạt động cứu trợ nhân đạo người dân Libye.
Tại hội nghị, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil trình bày đề cương về lộ trình soạn thảo hiến pháp mới, các cuộc bầu cử trong vòng 18 tháng và các giải pháp nhằm tránh bạo lực đẫm máu như từng xảy ra ở Iraq sau khi chế độ của Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ. Một nguồn tin chính phủ Pháp cho hay: “Iraq là một trường hợp cho thấy chiến dịch quân sự thành công, nhưng thất bại về chuyển giao chính trị. Chúng tôi (Pháp) đã rút được kinh nghiệm từ đó. Chúng tôi phải đứng về phía NTC, nhưng không áp đặt bất cứ điều gì với họ”.
Theo hãng tin Anh Reuters, các cường quốc lớn cũng sẽ “chia phần” lợi ích tại Libye, trong nỗ lực hợp tác khôi phục kinh tế và chính trị với quốc gia giàu dầu mỏ này. Hội đồng lâm thời Libye đã cam kết “thưởng công” cho những nước đảm nhận vai trò đi đầu trong cuộc chiến phế truất ông Gadhafi. Ngay cả Nga và Trung Quốc, vốn không ủng hộ sự can thiệp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Libye và vẫn chưa công nhận Hội đồng lâm thời Libye, cũng đã cử đại diện tham gia hội nghị quốc tế tại Paris.
Trong khi đó, vẫn chưa có tin tức chính xác về nơi ẩn náu của ông Gadhafi, bất chấp lực lượng nổi dậy quyết truy tìm và bắt sống ông “nhằm đưa ra xét xử và buộc tội trước công lý”. Tờ “El Watan” của Algérie ngày 31-8 dẫn nguồn tin thân cận với Phủ Tổng thống Algérie cho biết nhà lãnh đạo Libye hiện đang ở thị trấn biên giới Ghadames cùng với những người còn lại của gia đình và muốn thương lượng với chính quyền Algérie để qua biên giới vào lãnh thổ nước này. Theo nguồn tin trên, ông Gadhafi đã liên lạc với Tổng thống Algérie bằng điện thoại di động, nhưng bị từ chối. Đến nay, lập trường của Algérie là “không can thiệp vào công việc nội bộ của Libye”.
Trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn tại thành phố Sirte, quê hương của ông Gadhafi, nội bộ gia đình ông đã xuất hiện mâu thuẫn. Ngày 31-8, kênh truyền hình Al-Rai TV của Syrie đã phát đi một đoạn băng hình, trong đó Saif al-Islam, người con trai thứ hai của ông Gadhafi, đã thề tử thủ chống lại lực lượng nổi dậy ở Libye. Saif nói rằng hiện ở thành phố Sirte vẫn còn 20.000 tay súng trung thành và sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, cùng ngày, kênh truyền hình al-Arabiya đưa tin Saadi, con trai thứ ba của ông Gadhafi, lại tuyên bố sẵn sàng thương lượng với lực lượng nổi dậy để chấm dứt đổ máu. Về thông tin này, ông Abdul Hakim Belhadj, người đứng đầu Hội đồng quân sự của lực lượng nổi dậy ở Tripoli cho biết chính ông đã trao đổi bằng điện thoại với Saadi và cam kết sẽ đối xử khoan hồng nếu ông ta chịu đầu hàng.
N. MINH (Theo Reuters, AP, TTXVN)