30/11/2021 - 15:03

Tranh giành khai thác coban 

Coban, một trong những nguyên liệu thô thiết yếu cho sản xuất pin ôtô điện và là kim loại quý được gọi bằng biệt danh “vàng xanh” của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), đang bị cuốn vào cuộc tranh giành đầy tham lam giữa các cường quốc.

 Công nhân Trung Quốc làm việc tại mỏ Kisanfu. Ảnh: NYT

 

Theo Thời báo New York, Mỹ từng sử dụng uranium của DRC để chế tạo các quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, sau đó bỏ hàng chục năm và hàng tỉ đô-la để tìm cách bảo vệ lợi ích khai thác quặng mỏ của mình ở đây. Hiện nay, DRC chiếm hơn 2/3 sản ượng coban của thế giới và nước này lại trở thành trung tâm tranh giành của các nhà sản xuất ô tô điện toàn cầu.

Ồ ạt mua mỏ khai thác coban

Kisanfu, ở phía Ðông DRC, là một trong những mỏ coban có trữ lượng lớn nhất và tinh khiết nhất chưa được khai thác trên thế giới, trong hơn một thập niên qua do “gã khổng lồ” Freeport-McMoRan (Mỹ) kiểm soát. Hiện công ty Trung Quốc Molybdenum (CMOC) đã mua lại nó và đang chạy đua để khai thác “kho báu” với hàng triệu tấn coban này.

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên CMOC mua lại mỏ coban ở DRC. Công ty này hồi năm 2016 đã giành quyền kiểm soát mỏ khai thác Tenke Fungurume có trữ lượng coban lớn gấp đôi so với bất kỳ nước nào trên thế giới. Các báo cáo tài chính cho thấy CMOC được các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cho vay ít nhất 1,59 tỉ USD trong số 2,65 tỉ USD để mua lại Tenke Fungurume.

Việc các công ty Trung Quốc tăng cường khai thác và tinh chế coban đã giúp đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng lớn đối với kim loại này. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, tức 6 tháng sau khi Freeport-McMoRan được bán cho CMOC, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sử dụng sự thống trị đối với coban để ngăn cản sự thúc đẩy của Mỹ đối với xe điện. Do đó, Washington đang tăng cường tiếp cận nguồn cung cấp coban từ các đồng minh, gồm Úc và Canada.

Ðược biết, các nhà sản xuất ôtô Mỹ như Ford, General Motors hay Tesla đều mua linh kiện sản xuất pin coban từ các nhà cung cấp phụ thuộc một phần vào các mỏ do Trung Quốc sở hữu ở DRC. Song, cuộc bạo loạn chết người hồi tháng 7 gần một cảng ở Nam Phi, nơi phần lớn coban của DRC được xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nơi khác, đã khiến giá kim loại này tăng vọt trên toàn cầu, khiến giới chuyên gia lo ngại chi phí sản xuất sẽ “đội” lên sau nhiều năm, đe dọa phá vỡ kế hoạch thu hút khách hàng bằng ôtô điện giá cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, các hãng ôtô như Ford đang chi hàng tỉ USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin của riêng mình ở Mỹ, đồng thời gấp rút hạn chế nhu cầu sử dụng coban bằng cách phát triển pin lithium sắt phốt-phát hoặc chuyển sang tái chế.

Đối mặt nhiều thách thức

Thế nhưng, không chỉ thu hút các nhà khai thác mỏ, coban ở DRC còn lôi kéo những kẻ cơ hội, những người nổi tiếng và những nhân vật “ẩn mình” mong muốn được hưởng lợi. Nói cách khác, các công ty Trung Quốc phải cạnh tranh gay gắt.

Không chỉ vậy, họ còn phải đối mặt với nhiều trở ngại từ chính phủ sở tại. Hiện giới chức DRC đang thực hiện cuộc điều tra rộng rãi về các hợp đồng khai thác mỏ trong quá khứ để xem các công ty Trung Quốc có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được cam kết hay không. Tổng thống Felix Tshisekedi hồi tháng 8 còn chỉ định một ủy ban điều tra các cáo buộc cho rằng CMOC có thể đã lừa Chính phủ DRC hàng tỉ USD phí bản quyền.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới với tổng doanh số 1,3 triệu chiếc vào năm ngoái, chiếm hơn 40% doanh số bán hàng trên toàn cầu. Trong khi đó, Hãng pin Trung Quốc CATL kiểm soát khoảng 30% thị trường pin EV. Ước tính, Trung Quốc cung cấp 85% lượng coban dùng cho pin sử dụng trên thế giới vào năm 2020.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết