21/05/2010 - 08:58

Tranh chấp nguồn nước Sông Nile

Các nhà lãnh đạo Ai Cập vừa lên tiếng phản đối việc Ethiopie mới đây khánh thành đập thủy điện mới trên Sông Nile, đồng thời tuyên bố sẽ tìm cách cản trở thỏa thuận chia sẻ nguồn nước được ký kết ngày 14-5 giữa 4 nước trong khu vực gồm Ethiopie, Tanzania, Uganda và Rwanda. Ngoài Ai Cập, Sudan cũng phản đối thỏa thuận mới này, cho dù nó có thể sớm tiếp tục nhận được sự tham gia của các nước khác trong lưu vực Sông Nile là Kenya, CHDC Congo và Burundi.

Đập thủy điện mới trị giá hơn 500 triệu USD ở Ethiopie có tên là Tana Beles với công suất 460 megawatt. Nó sử dụng nguồn nước từ Hồ Tana, nơi cung cấp nguồn nước quan trọng cho Sông Nile. Thủ tướng Meles Zenawi tự hào nói rằng đập thủy điện mới này được xây dựng mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của nước ngoài nên có thể coi đây là một thành tựu sau hàng trăm năm nỗ lực sử dụng nguồn nước Sông Nile của Ethiopie. Ông còn nhấn mạnh Chính phủ Ethiopie sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỉ USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng và xây mới nhiều đập thủy điện nữa nhằm nâng công suất điện lên 10.000 megawatt từ mức 2.000 megawatt hiện nay. Người ta thậm chí còn cho rằng Ethiopie đang nuôi tham vọng trở thành quốc gia xuất khẩu điện lớn nhất Tây Phi.

Sông Nile được xem là mạch sống đối với hàng trăm triệu người châu Phi. Ảnh: Foreignpolicy

Đối với chính quyền Ethiopie, đập thủy điện Tana Beles và những công trình thủy điện khác sau này được xây dựng trên tinh thần “quyền tự quyết” hoặc dựa trên thỏa thuận chia sẻ nguồn nước mới giữa các quốc gia thượng nguồn Sông Nile mà không cần có sự đồng ý của các nước hạ lưu như Ai Cập, Sudan theo các thỏa thuận cũ năm 1929 và 1959. Ai Cập vì thế yêu cầu các nước thượng lưu tôn trọng các thỏa thuận cũ do Ngân hàng Thế giới (WB) làm trung gian. Tuy nhiên, các nước này cho rằng các thỏa thuận cũ chia sẻ không công bằng nguồn nước, vì Ai Cập và Sudan được hưởng tới 87% nguồn nước Sông Nile, cụ thể Ai Cập hưởng 55,5 tỉ mét khối, Sudan 18,5 tỉ mét khối. Gần 80 triệu dân Ai Cập phụ thuộc 90% vào nguồn nước Sông Nile và ngành nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào con sông này. Cho nên, có thể nói rằng nếu không có nguồn nước Sông Nile thì Ai Cập chỉ còn là một sa mạc rộng lớn. Quan ngại nguy cơ trên, Bộ trưởng Nguồn nước Ai Cập Mohammed Allam cảnh báo Cairo sẽ dùng “tất cả mọi biện pháp” (kể cả quân sự) để bảo đảm quyền sử dụng nguồn nước Sông Nile dài 6.700 km đi qua 10 nước.

Trong lịch sử, năm 1970, khi Ethiopie có ý định xây dựng một đập thủy điện trên Hồ Tana, Tổng thống Ai Cập thời bấy giờ là Anwar Sadat dọa sẽ phát động chiến tranh khiến Addis Ababa phải chuyển địa điểm xây dựng. Năm 2004, Ai Cập cũng đe dọa sẽ đánh bom phá hủy đường ống dẫn nước dài 170 km từ Hồ Victoria, nơi chảy ra Sông Nile, nếu Tanzania vẫn triển khai thực hiện dự án này với sự tài trợ của Mỹ và WB. Kết quả là Mỹ và WB rút lui. Ai Cập coi nguồn nước Sông Nile như tài nguyên vô giá của đất nước và từng sử dụng nó như một công cụ ngoại giao với Israel. Năm 1975, Ai Cập đề xuất sáng kiến cho phép Mỹ đầu tư 3 tỉ USD xây dựng một “kênh đào hòa bình” lấy 1% nguồn nước Sông Nile chuyển cho Israel, đổi lại Tel Aviv phải tôn trọng chủ quyền Đông Jerusalem của người Palestine. Tuy nhiên, dự án sau đó bị Ai Cập đình lại vì Israel không tuân thủ yêu cầu trên. Có lẽ để trả đũa Cairo, Tel Aviv quay sang hậu thuẫn một số nước thượng lưu Sông Nile xây dựng đập thủy điện nhằm cắt nguồn nước đổ về Ai Cập.

PHÚC GIA AN
(Theo Press TV, AFP, Le Figaro, Foreignpolicy)

PHÚC GIA AN (Theo Press TV, AFP, Le Figaro, Foreignpolicy)

Chia sẻ bài viết