13/11/2009 - 08:52

Tổng thống Afghanistan tiến thoái lưỡng nan

Tổng thống Karzai (giữa) và hai Phó Tổng thống Fahim (trái) và Khalili. Ảnh: AP

Các lãnh chúa từng hủy hoại Thủ đô Kabul của Afghanistan trong cuộc nội chiến đẫm máu hồi thập niên 1990 hiện đang trở lại các vị trí quyền lực ở nước này. Đưa các nhân vật đó vào chính quyền chắc chắn sẽ gây khó khăn cho cam kết thành lập một chính phủ mới trong sạch, nhưng dường như Tổng thống Hamid Karzai không có sự lựa chọn khác. Hãng tin AP (Mỹ) ngày 12-11 có bài viết về vấn đề này như sau:

Khái niệm “lãnh chúa” được dùng để chỉ thủ lĩnh các phe phái Afghanistan xung đột nhau sau khi Liên Xô rút quân hồi những năm 1980. Họ thường tự cho mình là nhân vật chính trị có nghĩa vụ bảo vệ người dân ở những khu vực mà chính quyền trung ương không hoặc ít kiểm soát. Một số lãnh chúa đã tổ chức chống lại Taliban sau khi phong trào Hồi giáo này lên nắm quyền năm 1996. Họ cũng từng giúp đỡ Mỹ trong chiến dịch lật đổ Taliban năm 2001.

Sau khi Mỹ chuyển trọng tâm sang chiến trường Iraq năm 2003, ông Karzai đã liên kết với các lãnh chúa để gầy dựng quyền lực. Hai Phó Tổng thống trong chính quyền mới của ông là Mohammed Qasim Fahim và Karim Khalili từng là lãnh chúa, riêng ông Fahim còn mang nhiều tai tiếng. Ông bị cáo buộc tham nhũng và duy trì lực lượng vũ trang riêng khi còn là bộ trưởng quốc phòng. Mỹ và các đồng minh từng gây sức ép buộc ông Karzai sa thải ông Fahim nhưng không được chấp nhận.

Từng nỗ lực kiềm chế quyền lực của các lãnh chúa trước đây, nhưng ông Karzai đã nhận ra rằng việc sa thải các nhân vật quyền lực hoặc đưa họ ra xét xử là rất nguy hiểm. Điều đó có thể làm bùng phát căng thẳng sắc tộc và cô lập các thủ lĩnh khu vực, vốn rất cần thiết để Kabul và lực lượng nước ngoài kiềm chế tàn quân Taliban.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh cho rằng quyền lực của các lãnh chúa sẽ làm suy yếu chính quyền trung ương và Kabul sẽ khó thuyết phục dân Afghanistan tuân thủ luật pháp, đóng thuế và ủng hộ chính phủ. Nói cách khác là tham nhũng sẽ tiếp tục xảy ra như trong nhiệm kỳ đầu của ông Karzai. Thế nên họ tăng cường sức ép yêu cầu Tổng thống Karzai thành lập chính phủ mới không có các lãnh chúa, vì lo ngại sự an toàn của binh sĩ họ không được đảm bảo với một chính quyền tham nhũng.

Dĩ nhiên ông Karzai không thể lập tức loại bỏ các cựu lãnh chúa ra khỏi chính phủ mới, nhưng cũng không thể phớt lờ yêu cầu của Mỹ, vốn đang nắm sinh mệnh chính trị của ông. Quả là “tiến thoái lưỡng nan”.

N. MINH (Theo AP, NYT, AFP)

Chia sẻ bài viết