02/09/2012 - 17:18

TRUNG QUỐC

Tình trạng "khủng hoảng an toàn thực phẩm" ngày càng tồi tệ

Một nhân viên làm việc tại dây chuyền sản xuất của một công ty dầu ăn ở Sanhe, Trung Quốc.

Theo ước tính, mỗi năm các bệnh truyền qua thực phẩm có thể ảnh hưởng đến khoảng 300 triệu người tiêu dùng Trung Quốc. Con số này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo rằng tình trạng "khủng hoảng an toàn thực phẩm" ở đất nước đông dân nhất thế giới này ngày càng tồi tệ.

* Đến người Trung Quốc cũng sợ

Còn nhớ tại Vòng chung kết giải Bóng chuyền Vô dịch Thế giới World Grand Prix 2012 diễn ra từ ngày 8-6 đến ngày 2-7, dù được xem là đội chủ nhà nhưng đội bóng chuyền nữ của Trung Quốc đã khiến giới hâm mộ vô cùng thất vọng khi không giành được bất cứ giải nào. Ban huấn luyện đội tuyển đã đổ lỗi rằng việc thất bại thảm hại là do các vận động viên không được bồi bổ trong suốt quá trình thi đấu, hầu như họ không "đụng" tới bất cứ loại thực phẩm nào được chế biến từ thịt trong suốt 3 tuần. Họ cử ăn thịt vì e rằng các chất hóa học như clenbuterol có thể can thiệp vào quá trình xét nghiệm nước tiểu. Trên thực tế, đầu năm nay, Cơ quan quản lý nhà nước về Thể thao Trung Quốc đã ban hành một văn bản cấm các vận động viên tiêu thụ thịt bên ngoài các cơ sở huấn luyện chính thức.

Sự tác động vào thể thao là hình ảnh thu nhỏ của những mối quan tâm ngày càng tăng về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. 20 năm trước, không nhiều người Trung Quốc xem việc an toàn thực phẩm là một vấn đề của xã hội. Ngày nay, hầu hết mọi người dân Trung Quốc đều bày tỏ mối quan ngại của họ về các loại thực phẩm bị pha trộn hay những loại thực phẩm giả. Vấn đề về an toàn thực phẩm tồi tệ ở Trung Quốc thực sự được đưa ra ánh sáng khi nó được đăng tải trên website "Throw out of the window" (tạm dịch Hãy ném chúng ra cửa sổ) do anh Wu Heng, một nghiên cứu sinh tại Đại học Phục Đán (Thượng Hải) tạo ra để theo dõi các sự cố về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc từ năm 2004 đến 2011. Vào mùa xuân năm 2012, một cuộc khảo sát được tiến hành ở 16 thành phố lớn của Trung Quốc về "các mối quan tâm về an toàn mà người dân lo ngại nhất" cho thấy rằng mối quan tâm về an toàn thực phẩm đứng đầu danh sách (81,8%), tiếp theo là an ninh công cộng (49%), chăm sóc y tế an toàn (36,4%), an toàn giao thông vận tải (34,3%) và an toàn môi trường (20,1%).

* Thiếu những quy định hiệu quả về đạo đức kinh doanh

Do chính phủ luôn coi nhẹ hay tỏ ra che đậy các vấn đề liên quan đến sự ổn định chính trị – xã hội, mọi việc đã trở nên khó khăn hơn để có thể đánh giá đầy đủ các vấn đề về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á phát hành năm 2007 (trước khi vụ bê bối sữa cho trẻ sơ sinh bị nhiễm độc xảy ra) ước tính rằng hàng năm có khoảng 300 triệu người tiêu dùng Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi các bệnh truyền qua thực phẩm. Các bệnh này có thể là kết quả của việc tiêu thụ nguồn thực phẩm bị nhiễm các độc tố, vi khuẩn gây bệnh, vi-rút hoặc ký sinh trùng.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vệ sinh An toàn Thực phẩm Trung Quốc vào năm 2011 cho thấy, có hơn 94 triệu người mắc các căn bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn, dẫn đến khoảng 3,4 triệu người phải nhập viện và hơn 8.500 ca tử vong hàng năm. Bằng phương pháp so sánh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính có khoảng 48 triệu người Mỹ bị bệnh do các loại vi khuẩn, vi-rút trong thực phẩm gây ra khiến 128.000 ca nhập viện và 3.000 ca tử vong hàng năm.

Nhìn chung, cuộc "khủng hoảng an toàn thực phẩm" ở Trung Quốc đã nêu bật lên sự thất bại của quốc gia này trong việc thiết lập một điều luật về đạo đức kinh doanh. Tại một đất nước không có những quy định hiệu quả về đạo đức kinh doanh như Trung Quốc, lợi nhuận tư nhân luôn ở thế thống lĩnh. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến với gần 23.000 người trưởng thành vào tháng 10-2011, hơn một nửa số người được hỏi đã không nghĩ rằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức là một điều kiện cần thiết cho sự thành công trong xã hội Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo The Atlantic)

Điều tra hãng dược phẩm nghi sử dụng dầu ăn "bẩn"

Ngày 1-9, chính quyền thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam ở miền Trung Trung Quốc cho biết một nhóm điều tra được cử tới một hãng dược phẩm địa phương để xem xét thông tin cáo buộc hãng này sản xuất thuốc kháng sinh bằng dầu ăn đã qua sử dụng.

Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Cục Quản lý thuốc và thực phẩm quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ điều tra vụ việc được báo chí nước này đăng tải. Cục trên cho biết đã yêu cầu các chuyên gia đánh giá mức độ an toàn của loại kháng sinh, mà theo truyền thông Trung Quốc, có một phần nguyên liệu được làm bằng dầu đậu nành có trộn với dầu ăn đã qua sử dụng.

Giữa tuần qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin một chi nhánh đặt tại thành phố Tiêu Tác của tập đoàn dược phẩm Joincare đã tiến hành thu mua dầu ăn "bẩn" dùng để sản xuất loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi 7-ACA. Joincare sản xuất tới 25% tổng số thuốc kháng sinh 7-ACA của Trung Quốc.

Một nhân viên làm việc tại dây chuyền sản xuất của một công ty dầu ăn ở Sanhe, Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết